Sau sắp xếp, Quốc hội có bao nhiêu cơ quan?

Sau khi thực hiện sắp xếp, các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.

Chiều 6-2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến tán thành việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.

Cụ thể, dự kiến các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.

Tuy nhiên, ông Tùng cho hay có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng, tên gọi các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý của các cơ quan. Đồng thời, nên sử dụng cụm từ “cơ quan của Quốc hội” thay vì cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội”.

“Ban soạn thảo thấy rằng trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội trong luật là phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan”- ông Hoàng Thanh Tùng nói và thông tin vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về các dự án luật về tổ chức bộ máy.

Ban soạn thảo cho rằng việc sử dụng cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội” là phù hợp với chức năng, tính chất hoạt động của các cơ quan này.

Thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị gọi là “cơ quan của Quốc hội” như luật hiện hành. “Không nên dùng từ ‘chuyên môn’, còn đương nhiên các cơ quan này phải có chuyên môn thì mới thực hiện được nhiệm vụ”- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giữ nguyên cách gọi “cơ quan của Quốc hội” như luật hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo luật hiện hành, các cơ quan của Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban, gồm: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng An ninh; Ủy ban Văn hóa Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phối hợp phục vụ các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-sap-xep-quoc-hoi-co-bao-nhieu-co-quan-post833062.html