Sao phải nghi ngờ?

Ngày 15-9-2022, trên fanpage của mình, tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải bài viết của Diễm Quỳnh, nhan đề 'Càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều'. Toàn bộ bài viết không có gì đáng bàn nếu nó chỉ dừng lại ở việc liệt kê những vụ việc, con số liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta. Song, với bản chất lọc lừa của mình, Việt Tân đã cài cắm vào bài viết các quan điểm chính trị mang tính vu khống, bịa đặt, xuyên tạc và kích động khi khẳng định rằng 'tham nhũng ở Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, việc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng có thật sự tác dụng?'.

Trong nội dung bài viết của Diễm Quỳnh có đoạn: “Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2022, trong phiên họp thứ 15, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Báo cáo cho biết có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 10 người bị xử lý hình sự, 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 135,3 triệu đồng (...). Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng (...). Năm 2022 chưa hết mà tổng con số tham quan, tham nhũng đông đảo với số tiền khổng lồ như vậy thì không biết hết năm con số sẽ tăng lên là bao nhiêu. Dân thì còng lưng đóng thuế nuôi bọn tham quan chỉ lo tìm cách vơ vét vào túi riêng”(?).

Chưa bàn đến tính chính xác của những thông tin được nêu ra trong bài viết, chúng ta chỉ bàn đến khía cạnh những khẳng định mang cảm tính chủ quan, áp đặt của Việt Tân, đó là “tham nhũng ở Việt Nam ngày càng tăng” và việc “phòng, chống tham nhũng của chúng ta không hiệu quả”. Lênin đã từng nói: “Người duy nhất không phạm lỗi là người không làm gì”, tục ngữ Việt Nam có câu: “Không ai nắm tay được cả ngày”. Trong bài nói tại Hội nghị nghiên cứu Lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “…Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: Là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người đã chết bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm”. Vì vậy, không có gì đáng sợ, không có gì đáng ngạc nhiên, không có gì đáng nghi ngờ về tính hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đang tiến hành. Trong “Thư gửi công nhân Mỹ” đề ngày 20-8-1918, Lênin viết: “Mặc dù báo chí vụ lợi của giai cấp tư sản cứ việc rêu rao khắp nơi mỗi khi cách mạng của chúng tôi phạm sai lầm. Những sai lầm của chúng tôi không làm cho chúng tôi sợ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, tham nhũng là một loại giặc nội xâm. Tham nhũng không phải là sản phẩm riêng có của chế độ xã hội chủ nghĩa, nó là một loại ung nhọt phát sinh đi kèm với sự xuất hiện của Nhà nước, chí ít cũng từ thời nhà nước phong kiến. Vì vậy, chúng ta không giấu giếm, không né tránh mà quyết tâm tiêu diệt nó tới cùng. Việc chúng ta càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều không phải là do tham nhũng được đẻ ra, phát sinh từ công cuộc phòng, chống tham nhũng mà chính là kết quả tích cực của việc phòng, chống tham nhũng đem lại. Điều đó khẳng định công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay đang đi đúng hướng, đang mang lại hiệu quả cao. Việc càng chống, tham nhũng càng nhiều, cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng đã và đang huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành, của nhân dân, khẳng định việc phòng, chống tham nhũng không chỉ được tiến hành ở các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, ở các lĩnh vực then chốt, nhạy cảm mà diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Việc đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng đã làm bộc lộ những vụ án, vụ việc vốn trước đây được che đậy, bao bọc rất kỹ, tưởng chừng khó phát hiện. Số vụ án, vụ việc tham nhũng bị phát hiện, lôi ra ánh sáng càng nhiều là một nỗi buồn của chế độ, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước, song đó cũng là một điều đáng mừng, bởi vì, thà đau một lần còn hơn âm ỉ, kéo dài. Nếu công cuộc phòng, chống tham nhũng thành công, chúng ta sẽ phẫu thuật, cắt bỏ được hoàn toàn, chí ít là gần như toàn bộ những ung nhọt của chế độ. Điều đó sẽ khiến cơ thể của chế độ chúng ta mạnh khỏe, hồng hào.

Mới đây nhất là việc chúng ta phanh phui, xử lý kỷ luật một số lãnh đạo của tỉnh Hải Dương và Gia Lai càng khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng. Không có gì phải nghi ngờ về hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động và đang tiếp tục chỉ đạo tiến hành như bọn phản động, thù địch rêu rao: “Việc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng có thật sự tác dụng?”.

Bản chất của bọn phản động, thù địch là gây chia rẽ, đối lập giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Vì vậy, chúng cố tình đưa ra những câu hỏi, nghi vấn kiểu lập lờ, nước đôi nhằm gây hoang mang dư luận, tạo sự hoài nghi của nhân dân vào tính hiệu quả, thực chất của công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay. Nếu không hiệu quả thì chúng ta phải tốn bao nhiêu công sức, trí tuệ, lực lượng để làm gì? Những con số về công tác phòng, chống tham nhũng mặc dù để lại những ấn tượng không hay song nó là bằng chứng không thể chối cãi được về tính hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đang tiến hành. Nếu không hiệu quả thì làm sao chúng ta lại xử lý được hàng ngàn vụ án tham nhũng, thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách do tham nhũng mà có? Nếu không hiệu quả thì làm sao chúng ta lấy lại được niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ? Nếu không hiệu quả thì thử hỏi, đến giờ phút này, chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn tồn tại hay không? Nếu không hiệu quả thì làm sao các tổ chức quốc tế lại ghi nhận, đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua đến như vậy?

Một kẻ lấy chuyện nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của chế độ, của Đảng, Nhà nước Việt Nam để làm nghề kiếm cơm như Việt Tân, một kẻ “khát nước” như Việt Tân, một tổ chức khủng bố, chuyên bắt cóc con tin để tống tiền, buôn lậu, lừa gạt như Việt Tân có tư cách gì mà lên tiếng nghi ngờ về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Hãy nhìn kỹ lại xem mình là ai, mình đang ở vị trí nào trước khi đánh giá, nhận xét và chê bai người khác, bởi rất dễ “há miệng mắc quai”, “cười người hôm trước, hôm sau người cười”.

H.L

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137810/sao-phai-nghi-ngo