Sáng con chữ nơi bản Mông

Nhiều năm qua điều đặc biệt ở điểm trường Tiểu học Thu Cúc 2, bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn là 5 thầy giáo người Mông - lứa học sinh đầu tiên của bản giờ đây trở thành những người thầy đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho con em ở bản mình.

Thầy Sùng A Sinh nắn nót từng chữ cái cho học sinh
(baophutho.vn) - Nhiều năm qua điều đặc biệt ở điểm trường Tiểu học Thu Cúc 2, bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn là 5 thầy giáo người Mông - lứa học sinh đầu tiên của bản giờ đây trở thành những người thầy đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho con em ở bản mình. Để có được như hôm nay, các thầy đã phải trải qua một chặng đường gian khó bởi cái đói, cái nghèo, lạc hậu... “bủa vây”. Giờ đây, mong ước của các thầy là học trò của mình sẽ đi xa hơn, biết nhiều hơn...

Đường đến trường hai lần ngắt quãng

Trong trang phục chỉnh tề, thầy Sùng A Sinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 1M đang say sưa dạy học sinh đánh vần, tiếng đọc bài vang lên làm tan đi sương mù và sự tĩnh lặng ở bản làng xa xôi này. Sinh năm 1985, so với những bạn bè cùng trang lứa Sùng A Sinh là người được gia đình lo cho việc học hành hơn cả, thế nhưng con đường học cũng phải dang dở, ngắt quãng đôi lần. Thầy Sinh chia sẻ: “Học hết cấp 2 thì ở nhà lập gia đình theo nguyện vọng của bố mẹ, một năm sau tôi quyết định đi học cấp 3, tốt nghiệp rồi lại ở nhà bươn chải kiếm sống, nhìn vợ con hằng ngày vẫn quẩn quanh với khoai, sắn và tiếc những kiến thức mình có được nên tôi quyết định thi và theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp năm 2013, đến năm 2014, tôi được nhận về dạy tại bản mình”.

Với học sinh bản Mông được đến trường học cái chữ là niềm vui, hạnh phúc
Cũng như thầy Sinh, trong ký ức của thầy Sùng A Chú - giáo viên chủ nhiệm lớp 3M là những ngày cơm không đủ ăn, thậm chí chỉ là nắm rau rừng. Cũng vì quá nghèo, anh chị của Chú không được đi học phải ở nhà đi rẫy cùng bố mẹ, thầy Chú may mắn hơn khi được đến trường. Chú không biết chính xác năm sinh, chỉ biết được bố mẹ nhận về nuôi và nghe mọi người bảo sinh năm 1986... Thầy Chú kể: “Đang học lớp 7, lấy vợ, phải nghỉ học mất một thời gian mới đi học tiếp, tốt nghiệp cấp 3 rồi đi làm dành dụm được ít tiền nên tiếp tục theo học ngành sư phạm, lúc đấy chỉ nghĩ được là phải học, bản mình nghèo cũng chỉ vì ít chữ”.

Trước đây, vì những suy nghĩ lạc hậu nên người dân vốn không xem trọng việc đến trường, vì họ nghĩ rằng học hành không no được bụng, ở nhà phụ bố mẹ chăm em hay lên nương rẫy lao động may ra còn có cái ăn cũng vì thế trẻ mới lên 6-7 đã là trụ cột của gia đình khi chỉ quanh quẩn ở nhà trông em, lên 8-10 đã là lao động chính ngày ngày theo cha, mẹ lên nương rẫy, chăn thả gia súc, để vận động các gia đình “từ bỏ” một lao động chính, cho trẻ đến trường là một điều không hề đơn giản vì thế ai cố gắng lắm thì học hết tiểu học còn lại đều nghỉ học, nhiều người lớn vẫn không viết nổi tên mình. Thầy Chú nói: “Ở Mỹ Á nếu không học thì không thoát được nghèo đâu. Tôi thường nói với học trò, đừng rời xa trường lớp, đừng lấy vợ, lấy chồng quá sớm, dù khó khăn vẫn không được từ bỏ con chữ”.

Các thầy cùng học sinh tham gia hoạt động giữa giờ: Múa, hát và chơi các trò chơi dân gian

Phải quên mình đi!

Là người dạy chữ cho con em ở bản mình, thầy Sùng A Cỡ cũng đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Sinh năm 1982 nhưng trông thầy Cỡ già dặn hơn tuổi nhiều, có lẽ cũng vì con đường đến với cái chữ quá dài. 27 tuổi mới lập gia đình, thầy Cỡ được coi như đã lập “kỷ lục” ở bản bản Mỹ Á. 10 năm gắn bó dưới mái trường từ khi cơ sở, vật chất còn thiếu thốn đủ đường nhưng chưa bao giờ có ý định từ bỏ. “Nhiều năm trước đây, cứ sắp vào đầu năm học các thầy cô phải đến tận nhà vận động trẻ đến trường, hôm nào lên lớp, sĩ số vắng lại phải đến nhà học sinh vắng mặt để nắm bắt tình hình, vì nếu để nghỉ ở nhà một, hai buổi thôi là chúng không thích đến trường nữa, vì đến trường phải quy củ, nề nếp không tự do như ở nhà. Mình không nghĩ gì nhiều hơn việc phải để học trò có một tương lai tươi sáng hơn” thầy Cỡ kể.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy Mùa A Hành - giáo viên chủ nhiệm lớp 4M bên hành lang lớp học vui đùa cùng học sinh giờ ra chơi, nụ cười tươi hiện trên khuôn mặt với nước da ngăm đen như mang hết những yêu thương dành cho học sinh của mình. Sinh năm 1991 là thầy giáo trẻ tuổi nhất trong năm thầy đứng lớp ở điểm trường Tiểu học Thu Cúc 2 nên thầy Hành nhanh nhẹn và xông xáo hơn hẳn. Dù tuổi trẻ mỗi người đều có hoài bão cho riêng mình, thế nhưng với Mùa A Hành, khát khao lớn nhất là trở thành thầy giáo để lan tỏa ý chí, nghị lực cho con em ở bản mình. Với đặc thù học sinh là người dân tộc, trong gia đình ông bà, bố mẹ, con cái đều giao tiếp bằng tiếng Mông nên khi đến trường, học sinh hầu hết chưa thạo tiếng phổ thông, ít tiếp xúc với người lạ nên nhát và rụt rè bởi vậy việc dạy và học khó khăn hơn. Với tình yêu nghề, thương trò, thầy luôn tìm cách giảng dạy đơn giản, dễ hiểu nhất, đôi khi còn phải “song ngữ” để học sinh hiểu và nắm kiến thức được tốt hơn. Thầy Hành bảo: “Mình phải quên mình đi...”.

Không lựa chọn rời xa nơi mình sinh ra, những cậu học trò xuất sắc nhất của bản ngày ấy đã lựa chọn quay trở về Mỹ Á để thực hiện mong ước mở lối tương lai cho những thế hệ con em của bản. Sự học của những thầy giáo người Mông ở Mỹ Á là cả một hành trình đầy nỗ lực mà không phải ai cũng đi được đến đích, đôi lần con chữ bị đứt gãy, nhưng họ có chung một suy nghĩ chỉ có học mới thoát được cái nghèo, cái khổ, cái lạc hậu và rồi họ đã hiện thực hóa ước vọng không chỉ cho riêng mình mà cho cả bản làng.

Chia tay thầy và trò khi đã quá trưa, giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, tiếng róc rách của suối đại ngàn, trong cái siết tay thật chặt chúng tôi vẫn luôn tin tưởng rằng bản làng người Mông sẽ đổi thay, khởi sắc từng ngày.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202109/sang-con-chu-noi-ban-mong-179786