Sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10 ở những thành phố lớn

Chỉ vài ngày nữa diễn ra kỳ thi vào lớp 10 tại 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM. Công tác chuẩn bị kỳ thi được lãnh đạo TP và các trường đặc biệt quan tâm.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh TP Hà Nội kiểm tra cơ sở vật chất của điểm thi Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Vân Anh

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh TP Hà Nội kiểm tra cơ sở vật chất của điểm thi Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Vân Anh

Tạo thuận lợi nhất cho thí sinh

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội diễn ra ngày 8 và 9/6 với hơn 106.000 học sinh đăng ký dự thi. Cùng với việc tập trung ôn tập cho học sinh, thời điểm hiện tại, các đơn vị, nhà trường đã hoàn thành rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, minh bạch và công bằng.

Cô Đặng Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Cuối tháng 5, nhà trường đã hoàn thành việc ôn tập, giúp các em có tâm thế trước khi bước vào kỳ thi quan trọng. Đồng thời, rà soát cơ sở vật chất, phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ kỳ thi tuyển sinh.

Cũng như mọi năm, Trường THCS Hoàng Liệt được lựa chọn là điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thành phố Hà Nội với khoảng 500 thí sinh dự thi. Nhà trường chuẩn bị 20 phòng thi chính thức, 2 phòng thi dự phòng cùng các phòng y tế, phòng chờ cho cha mẹ học sinh, chỗ để đồ cho thí sinh. Nhà trường cũng phối hợp với UBND, Công an phường Hoàng Liệt để đảm bảo an toàn, trật tự trong và ngoài điểm thi.

Còn cô Đặng Thị Ngọc Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Điểm thi Trường THCS Ba Đình có 24 phòng thi chính thức, 2 phòng thi dự phòng với 576 thí sinh dự thi. Nhà trường đã rà soát xong cơ sở vật chất, kê bàn ghế ngay ngắn, vệ sinh phòng thi sạch sẽ, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ kỳ thi.

Để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các trường THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Đây là những nơi có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn.

Vì đông thí sinh dự thi nên Hà Nội bố trí số lượng lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác phục vụ. Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi. Cán bộ, công chức, giáo viên và nhân viên tham gia coi thi phải bảo đảm các tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi.

Thời điểm hiện tại, 19 đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội và nhiều đoàn của Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã đang khẩn trương tổ chức kiểm tra điều kiện tổ chức kỳ thi tại 201 điểm thi. Qua kiểm tra thực tế, hầu hết điểm thi đã chuẩn bị kỹ về mọi mặt, có phương án dự phòng cho tình huống phát sinh, đảm bảo đúng quy chế thi.

Theo ông Trần Thế Cương, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Dù diễn ra hằng năm nhưng các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, cần chuẩn bị chu đáo, rà soát kỹ lưỡng mọi mặt, dự báo được các tình huống phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giúp học sinh đạt kết quả thi tốt

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 tại TPHCM diễn ra ngày 6 và 7/6 với 98.681 thí sinh đăng ký dự thi. Năm nay, Sở GD&ĐT TPHCM đã quy hoạch 158 điểm thi, trong đó có 11 điểm thi chuyên, với 4.513 phòng thi. Thành phố cũng huy động 13.539 giáo viên làm cán bộ coi thi và 2.370 nhân viên, bảo vệ, công an... làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Chia sẻ của cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM), chỉ vài ngày nữa là kỳ thi bắt đầu, trong khoảng thời gian này, các em cần phân chia thời gian hợp lý để cân bằng giữa chuyện học tập, ăn uống, nghỉ ngơi và rèn luyện sức khỏe. Không vì sắp bước vào kỳ thi mà các em thức khuya, ngủ muộn, không cân bằng sẽ khiến cơ thể dễ rơi vào mỏi mệt.

“Bên cạnh đó, học sinh cần bình tĩnh, không lo lắng quá mức. Kiến thức đã được thầy cô ôn tập, các em cần hệ thống lại, sắp xếp giờ học, giờ chơi để đầu óc linh hoạt, trau dồi kỹ năng làm bài nhằm có kết quả tốt nhất. Khoảng thời gian này, các em cũng cần được gia đình chăm sóc ăn uống đủ chất, dinh dưỡng, uống đủ nước để có sức khỏe tốt”, cô Hiếu khuyên.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khuyên, thời điểm này việc các em cần làm một lần nữa hệ thống lại kiến thức từng môn thi, nắm chắc phần trọng tâm, dành thời gian ôn tập nội dung bản thân chưa vững.

Khi bước vào phòng thi, thí sinh không nên hấp tấp vội vàng làm bài ngay mà cần đọc thật kỹ đề. Thực tế trong các mùa tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm, nhiều em bị mất điểm đáng tiếc chỉ vì không đọc kỹ đề dẫn đến lạc, làm sai yêu cầu của đề.

Ngoài ra, các em nên phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Câu nào dễ làm trước, làm đến đâu chắc đến đó; câu khó làm sau; không quá sa đà mất nhiều thời gian vào việc giải một câu nào đó, sẽ dẫn đến tình trạng không kịp thời gian, ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

Thời điểm sát ngày thi, các em không nên thức quá khuya ôn bài. Việc ôm đồm “chạy show” học thêm quá nhiều trong giai đoạn này không cần thiết, thậm chí có thể khiến các em đuối sức, ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Việc học là cả quá trình, xuyên suốt năm học chứ không phải một ngày, hai ngày mà có thể vững vàng. Các em cần chú ý giữ sức khỏe, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý.

“Đây là kỳ thi chuyển cấp, có tính phân hóa theo năng lực học sinh. Vì thế, tâm lý lo lắng của phụ huynh học sinh trong kỳ thi là điều dễ hiểu. Do đó, trong thời gian này phụ huynh hãy chia sẻ cùng với các em, động viên và theo sát nhưng không nên gây áp lực. Sự động viên, theo sát của phụ huynh lúc này có vai trò quan trọng, giúp trò tự tin, bước vào kỳ thi nhẹ nhàng”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.

Theo ThS tâm lý Võ Minh Thành - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng: “Để thành công trong tương lai có nhiều con đường. Cho dù kết quả thế nào thì bố mẹ cũng đồng hành giúp trẻ tự tin. Việc cha mẹ thấu hiểu và chia sẻ cũng là cách xoa dịu bớt những áp lực, căng thẳng. Do đó, cha mẹ hãy động viên để trẻ có tinh thần thoải mái, từ đó cố gắng một cách tốt nhất trong khả năng của bản thân”.

Vân Anh - Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/san-sang-cho-ky-thi-vao-lop-10-o-nhung-thanh-pho-lon-post686084.html