Sai phạm 'trắng trợn' về đấu thầu tại 2 bệnh viện nghìn tỷ của Bộ Y tế

Qua kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, những sai phạm trong công tác đấu thầu xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai rất ngang nghiên, trắng trợn.

4 nguồn lãng phí hơn 1.000 tỷ đồng từ 2 bệnh viện

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra đối với 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh biện Bạch Mai và Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (tại tỉnh Hà Nam).

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức được Bộ Y tế phê duyệt và quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư 9.958 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước 9.000 tỷ đồng); quy mô mỗi dự án 1.000 giường bệnh; thời gian thực hiện dự án ban đầu từ năm 2014 - 2017.

Sau khi cả 2 dự án chậm tiến độ, năm 2019, Bộ Y tế có quyết định gia hạn đến hết năm 2020, sau đó năm 2023, tiếp tục có quyết định gia hạn đến hết năm 2024.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai chậm tiến độ, hoang hóa được báo chí phản ánh nhiều năm qua.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai chậm tiến độ, hoang hóa được báo chí phản ánh nhiều năm qua.

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư của 2 dự án thực hiện 11 gói thầu tư vấn với tổng giá trị hợp đồng 53,38 tỷ đồng (trong đó gói thầu tư vấn lập dự án của 2 dự án (TV4 và TV5) có giá trị 45,59 tỷ đồng (chiếm tới 85% gia trị của 11 gói thầu).

Theo kết luận của TTCP, trong quá trình thực hiện 2 dự án, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí có thể hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, kết luận nêu trước hết lãng phí dó điều chỉnh thiết kế từ móng cọc khoan nhồi sang ép cọc bê tông. Việc điều chỉnh này không thuộc trường hợp được điều chỉnh theo Luật xây dựng và dẫn đến thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Tiếp đến là lãng phí do việc dừng thi công từ tháng 1/2021 đến nay đã làm phát sinh chi phí, dự án không thể đưa vào sử dụng, dẫn tới một số hạng mục đã thực hiện bị hư hỏng, xuống cấp do phong hóa theo thời gian làm phát sinh chi phí sửa chữa, khắc phục, với số tiền tạm tính trên 253 tỷ đồng.

Lãng phí tiếp theo là do chưa trích được khấu hao. Căn cứ vào quy định nếu được thực hiện trích khấu hao 4 năm (từ 2021-2024) đối với Khối nhà chính của 2 Dự án thì mức trích có giá trị khoảng trên 217tỷ đồng.

Cuối cùng là lãng phí do nguồn vốn được cấp nhưng không sử dụng hết. Theo đó, đối với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nếu mang số tiền không sử dụng trong từng năm gửi ngân hàng thương mại với lãi suất bình quân từ 1 đến dưới 6 tháng thì khoản tiền lãi thu được tạm tính lên tới trên 309 tỷ đồng. Còn tính theo trái phiếu Chính phủ thì còn lên tới hơn 453 tỷ đồng.

Điền luôn tên Công ty trúng thầu trước khi tổ chức quy trình

Kết luận cho thấy, 2 dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác đấu thầu, từ việc thực hiện việc chỉ định; tổ chức gói thầu mua sắm thiết bị,…

Đơn cử, qua kiểm tra cho thấy, hình thức lựa chọn là chỉ định thầu, nhưng Ban Y tế trọng điểm (YTTĐ, thuộc Bộ Y tế) không tiến hành lập, thẩm định chi phí thuê tư vấn nước ngoài để trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt; không xác định dự toán gói thầu, không tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu.

Trình đưa nội dung "Công ty VK STUDIO thực hiện" vào tên gói thầu tư vấn với nội dung "ngoài phần do Công ty VK (là đơn vị tư vấn nước ngoài) đảm nhiệm" vào tên gói thầu. Việc này cho thấy Ban YTTĐ đã xác định được nhà thầu trúng thầu mà không phải thực hiện quy trình chỉ định thầu.

Không chỉ chậm tiến độ dẫn đến lãng phí, 2 dự án còn có nhiều dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu, xây dựng.

Không chỉ chậm tiến độ dẫn đến lãng phí, 2 dự án còn có nhiều dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu, xây dựng.

Hay, Hồ sơ mời thầu (HSMT) có sửa đổi sau khi phát hành nhưng chủ đầu tư không ban hành quyết định sửa đổi HSMT. Hay, Tổ thẩm định đã thẩm định và lập Báo cáo thẩm định HSMT ngày khi không đủ hồ sơ trình thẩm định.

Đặc biệt, theo kết luận, một số thiết bị trong HSMT đã bị nêu yêu cầu xuất xứ cụ thể của hàng hóa,...

(Theo quy định, không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ thì được nêu nhãn hiệu của một sản phẩm cụ thể để minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ "hoặc tương đương" sau nhãn hiệu – PV).

Do đó, trên đây là những quy định rất cơ bản trong xây dựng HSMT, nhưng lại dễ dàng bị vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế kết luận tại thông báo số 417 có nội dung trái quy định của Luật Đấu thầu năm 2005, khi xác định rõ Công ty VK Group phải lập xong dự án đầu tư bao gồm thuyết minh và thiết kế cơ sở khi chưa triển khai các bước lựa chọn nhà thầu.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách 2 dự án theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm, sai phạm được nêu trong kết luận.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2011-2019, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan đến cả 2 dự án trong thời gian từ năm 2013-2017. Ngoài ra, còn ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, đồng thời là người đứng đầu Ban Quản lý dự án từ 2016-2019.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ ngày 27/3/2021; ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm giai đoạn 2017 - 2020);…

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Thứ trưởng liên quan được xác định "thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý", thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu thực hiện hợp đồng đối với chủ đầu tư.

Đáng chú ý tại kết luận, TTCP cho biết đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, điều tra nhiều nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu, xây dựng của 2 dự án.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sai-pham-trang-tron-ve-dau-thau-tai-2-benh-vien-nghin-ty-cua-bo-y-te-204250406164647234.htm