Sai phạm tại Dự án đạm Ninh Bình: Đề nghị Bộ Công an điều tra 7 vấn đề

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan đến hàng loạt sai phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám Ninh Bình (đạm Ninh Bình) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư.

Sai phạm trong quá trình xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình đang chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Sai phạm trong quá trình xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình đang chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Nhiều số liệu “vênh” nhau

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của BCĐTW về phòng chống tham nhũng, từ 5/9-29/9/2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán đạm Ninh Bình công suất 1.760 tấn Ure/ngày.

Sau khi kiểm tra hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án, KTNN đề nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới những tồn tại, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan. Theo tìm hiểu, có 7 nội dung KTNN đề nghị Thủ tướng chỉ đạo CQĐT làm rõ.

Thứ nhất, đề nghị CQĐT làm rõ việc mua, cấp than phục vụ chạy thử vượt khối lượng theo quy định tại hợp đồng EPC khi chưa làm rõ nguyên nhân và phân định trách nhiệm của các bên liên quan; với phần than cấp vượt, khối lượng than phục vụ chạy thử mà chủ đầu tư đã cấp cho nhà thầu vượt so với quy định của hợp đồng là 251.469 tấn, tương đương 661,319 tỷ đồng,

Công tác mua, quản lý, theo dõi nhập, xuất than phục vụ chạy thử thiếu chặt chẽ, có dấu hiệu sai phạm như: Nhập than cám 5A không có hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc than; không có chứng từ xuất kho 127.368,65 tấn than/370.840,77 tấn than đã cấp cho nhà thầu, việc sử dụng than của nhà thầu tại một số thời điểm chưa đúng mục đích chạy thử.

Sản phẩm chạy thử không được ghi nhận đầy đủ, thiếu hồ sơ tài liệu và không được quản lý chặt chẽ. Chưa ghi nhận đầy đủ các các sản phẩm của quá trình chạy thử gồm 2.013,1 tấn Amoniac thu được trong quá trình chạy thử, 138,05 tấn Ure nhập kho sau khi chạy thử hệ thống băng tải, không ghi nhận doanh thu tiền bán tro xỉ năm 2012; chỉ thu được 17 ngàn tấn Ure mà nếu theo thiết kế phải thu được 40 ngàn tấn Ure.

Nhà thầu HQCEC cho rằng chủ đầu tư đã bán thương mại 16.619 tấn than mịn (sản phẩm chạy thử đơn động máy nghiền than CMD) nhưng hồ sơ tài liệu không thể hiện, có dấu hiệu bỏ ngoài sổ sách kế toán số tiền bán than mịn này; lượng sản phẩm Ure thu được trong quá trình chạy thử theo hồ sơ quyết toán nhỏ hơn sổ sách ghi chép là 4.242,62 tấn.

Quá trình đàm phán, nhà thầu đề xuất danh mục một số thiết bị công nghệ có thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ... thay đổi so với yêu cầu nhưng chủ đầu tư không xem xét, đề nghị làm rõ nguyên nhân phải thay đổi và sự ảnh hưởng, tác động của những thay đổi đó đến yếu tố kỹ thuật và tài chính gói thầu EPC.

Vì sao liên tiếp gặp sự cố kỹ thuật, hỏng hóc?

Một nội dung nữa KTNN đề nghị Bộ Công an làm rõ, là việc thực hiện các quy định của hợp đồng EPC và quy định Nhà nước trong quản lý, giám sát, thực hiện nhập khẩu, lắp đặt máy móc, thiết bị của dự án còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời: 152 thiết bị trị giá 50,546 triệu USD nhập khẩu không được kê khai hải quan để thu nộp thuế; hai thiết bị theo hợp đồng xuất xứ là EU/G7 nhưng hồ sơ tài liệu nhập khẩu thể hiện xuất xứ của Trung Quốc; 316 thiết bị có sự thay đổi về thông số kỹ thuật giữa thiết kế, nghiệm thu so với hợp đồng.

KTNN cũng đề nghị làm rõ việc sử dụng vốn tự có của dự án để thực hiện việc ủy thác cho Công ty Tài chính CP hóa chất sai quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư của dự án, không đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, lãi suất ủy thác thấp gây thiệt hại vốn doanh nghiệp nhà nước.

Nội dung cuối cùng đề nghị Bộ Công an điều tra là việc chưa kịp thời xem xét, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan với việc nhà máy sau khi đưa vào vận hành khai thác đã gặp nhiều sự cố về kỹ thuật, hỏng hóc phải dừng máy để sửa chữa khắc phục, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.

Đạm Ninh Bình có quyết định đầu tư từ năm 2005, do Tập đoàn Hóa chất làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đạm Ninh Bình được Tập đoàn Hóa chất thành lập vào năm 2007 và được giao vai trò làm đại diện chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án đã điều chỉnh 2 lần và điều chỉnh lần gần nhất đến thời điểm kiểm toán là 667.040,503 triệu USD (tương đương hơn 10.806 tỷ đồng).

Mục đích đầu tư dự án công suất 1.000 tấn NH3/ngày, 1.760 tấn Ure/ngày được đề ra từ đầu là để cung cấp phân đạm cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, thay thế đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về nguồn cung cấp dài hạn và giá cả cho ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Phi Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/sai-pham-tai-du-an-dam-ninh-binh-de-nghi-bo-cong-an-dieu-tra-7-van-de-500070.html