Sa Trầm, nơi sáng tình người

Mùa mưa, muốn đến Đồn Biên phòng Sa Trầm thì phải qua duy nhất một con đường nối từ ngã ba Tân Long vào bản Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông chạy men theo sườn núi mờ mịt hơi sương dài hơn 50 km. Mỗi năm, Sa Trầm phải hứng chịu gió núi cùng sương mù hơn 6 tháng, nhiệt độ ngoài trời xuống 14- 15 độ C. Đóng quân ở địa bàn xa xôi, địa hình chủ yếu là núi cao và suối sâu, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Trầm vẫn chắc tay súng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chỉ huy Đồn Biên phòng Sa Trầm và lãnh đạo các cấp tặng quà cho gia đình khó khăn. Ảnh: PPT

Thượng tá Lê Văn Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Trầm cho biết, đơn vị quản lí 6 mốc quốc giới; phụ trách địa bàn 2 xã Ba Nang, Tà Long, huyện Đakrông với 18 thôn, bản. Vượt qua những khó khăn, thử thách, ngoài trọng trách bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biên giới, Đồn Biên phòng Sa Trầm luôn tích cực bám địa bàn, bám dân để vận động, tuyên truyền nhân dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc; phát huy tốt hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường về xã và đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản; tiếp tục duy trì tốt phong trào “kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới”; tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự hai bên biên giới. Đến nay, trên địa bàn 2 xã Ba Nang và Tà Long có 12 tổ tự quản an ninh trật tự, 69 hộ gia đình tự nguyện tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 18/18 thôn bản phát động và đăng kí “Thôn bản không có tội phạm ma túy”.

Để giúp dân bản phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Sa Trầm thường xuyên bám địa bàn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân bản để tìm ra những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Từ bao đời nay, dân bản chỉ biết “phát, đốt cốt, trỉa” trồng lúa rẫy theo kiểu nhờ trời, vì vậy năng suất thấp và không ổn định. Nhận thấy tiềm năng đất đai nơi đây phù hợp trồng sắn cao sản và trồng rừng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Trầm vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời ra tận nương rẫy hướng dẫn cho dân bản các kĩ thuật cày đất, đào lỗ và đặt hom sắn, bón phân... “Nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Trầm tuyên truyền, cầm tay chỉ việc mà hiện gia đình tôi làm được 5 sào lúa nước, trồng được 1,5 ha sắn, 3 ha rừng, với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Trên địa bàn còn có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo như gia đình tôi”, ông Hồ Thanh Lơng, bản Tà Mên, xã Ba Nang nói.

Đồn Biên phòng Sa Trầm là một trong những đơn vị đầu tiên trong Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phát động và đến nay vẫn duy trì có hiệu quả phong trào “Hũ gạo tình thương” và “Hòm quỹ tiết kiệm”. Từ nguồn quỹ của các phong trào này, 5 năm qua đơn vị đã tổ chức thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách đơn vị nhận đỡ đầu trị giá 50 triệu đồng; nhận đỡ đầu 3 em học sinh nghèo trên địa bàn với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/em/tháng. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức đóng góp và vận động các nhà tài trợ tặng quà cho các hộ nghèo trị giá trên 400 triệu đồng; xây 4 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá 240 triệu đồng.

Gia đình anh Hồ Văn Liên và mẹ là Hồ Thị Ray, ở thôn Tà Mên thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Ba Nang. Anh Liên bị câm, điếc, còn chị Liên bị tàn tật ở chân. Cả gia đình với 8 nhân khẩu phải sinh sống trong căn nhà nhỏ được che ghép tạm bợ bằng những tấm tôn phi brô xi-măng cũ. Được hỗ trợ 60 triệu đồng từ Hội Khuyến học tỉnh, Đồn Biên phòng Sa Trầm đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia gần 300 ngày công lao động san lấp mặt bằng, làm nhà.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Trầm cho biết: “Trong 9 tháng thi công nhà, mặc dù địa hình núi cao, suối sâu, công việc vận chuyển vật liệu để làm nhà rất gian nan; bên cạnh đó thời tiết nắng mưa thất thường, nhưng anh em trong đơn vị động viên nhau cùng ở, cùng làm với gia đình để ngôi nhà mới hoàn thành trước mùa mưa bão. Anh em đều xác định đây là nhiệm vụ và tình cảm để tri ân đồng bào dân tộc đang ngày đêm sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên cương; đồng thời góp phần giúp nhân dân ổn định cuộc sống và bồi đắp tình quân- dân nơi biên giới”. Ngày về ở trong ngôi nhà mới, không chỉ gia đình anh Liên rưng rưng xúc động, mà chính quyền và nhân dân trên địa bàn đến chung vui cũng nể phục và cảm ơn sự tận tụy của người lính Biên phòng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Với nguồn kinh phí hạn hẹp, thi công trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng làm được ngôi nhà vững chãi và khang trang như thế này là một sự nỗ lực lớn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Trầm”.

Những địa danh Trầm, Đá Bàn, Cóc, Tà Mên, Bù, Ngược... nằm giữa rừng sâu, núi thẳm, gần như cách biệt với bên ngoài. Dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, người dân còn phải một nắng hai sương để mưu sinh thường nhật, nhưng họ luôn nhận được sự đồng cảm sâu sắc và giúp đỡ chí tình của những người lính Biên phòng. Sa Trầm tuy xa về khoảng cách địa lí, nhưng thật gần gũi và ấm lòng với những ai đã từng một lần đến và được nghe về những câu chuyện thắm đượm nghĩa tình quân - dân nơi đây.

Phan Phước Trung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144844