Rủi ro đối với thương mại toàn cầu từ góc nhìn luật quốc tế
Sau khi Mỹ thông báo và áp dụng thuế quan mới đối với tất cả các quốc gia, phóng viên TTXVN tại Geneva ngày 14/4 đã có cuộc trao đổi với luật sư Alan Yanovich, người từng làm việc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang là cố vấn tại công ty luật Akin.

Luật sư Alan Yanovich bày tỏ niềm tin rằng các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho FDI nếu khu vực này duy trì nền kinh tế mở dựa trên luật lệ.
Về những rủi ro cho thương mại thế giới sau các động thái mới nhất của Washington, luật sư Alan Yanovich cho rằng tình hình hiện nay rất phức tạp và có nhiều rủi ro. Ông cảnh báo rằng uy tín của hệ thống thương mại đa phương đang bị xói mòn khi các quy tắc chung bị suy yếu. Điều này có thể khiến một số quốc gia lựa chọn áp dụng các biện pháp tương tự, từ đó càng làm suy giảm lòng tin vào hệ thống.
Theo luật sư này, rủi ro khác là nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. Hiện tại, mặc dù phần lớn các nước hiện vẫn chọn đối thoại với Mỹ như một giải pháp thận trọng, song vẫn có nguy cơ xuất hiện các hành động trả đũa, có thể làm tăng thêm căng thẳng trong hệ thống.
Ông Alan Yanovich cũng đề cập nguy cơ một số quốc gia có thể cắt giảm hợp tác song phương với Mỹ. Ngoài ra, việc dòng thương mại bị chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ có thể làm dấy lên các yêu cầu bảo hộ ngày càng tăng tại những khu vực tiếp nhận hàng hóa, từ đó tạo thêm áp lực cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Ông cảnh báo, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị tê liệt nếu không có hành động cụ thể. Việc dư luận quốc tế quá tập trung vào các động thái của Mỹ cũng khiến nhiều sáng kiến khác của WTO bị lu mờ.
Theo chuyên gia từng có nhiều năm làm việc cho WTO, thương chiến nếu leo thang sẽ tác động không nhỏ tới những quốc gia kém phát triển.
Ngoài ra, những diễn biến mới nhất đang làm dấy lên lo ngại về dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể chuyển hướng trong thời gian tới. Theo ông Alan Yanovich, cách tốt nhất để các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho FDI là duy trì nền kinh tế mở dựa trên luật lệ. Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ có hai yếu tố chính mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm. Đúng, ngay bây giờ, có một số động lực để cân nhắc đầu tư vào Mỹ, nhưng sự không chắc chắn đã được tạo ra trong vài tuần qua cũng đang làm suy yếu loại hình đầu tư đó”. Luật sư Alan Yanovich khuyến nghị là các quốc gia Đông Nam Á cần duy trì các quy tắc ổn định và môi trường ổn định, lưu ý đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp Đông Nam Á duy trì vị thế là "thỏi nam châm” hút FDI, bởi các doanh nghiệp đang tìm kiếm nền kinh tế mở để đầu tư.