Rô cố đô

Tôi chơi thân với ông Nguyên bạn học khác khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm đói ấy (thời sinh viên thì tứ mùa đói) một chủ nhật Nguyên chiêu đãi tôi một bữa nhớ đời.

Cân tem gạo 1.000 gram, Nguyên đổi thành 4 cái bánh mỳ. Rồi hắn trịnh trọng mở cái nắp lọ thủy tinh đựng thứ gì nâu nâu.

Tôi đưa lên miệng. Cái gì như thịt? Mà như không phải? Mằn mặn cay cay. Bất đồ một cảm giác thèm ăn cuộn trào. Chỉ một loáng, cái thứ nâu nâu kia cứ như cú hích khiến hai thằng đánh bay 4 cái bánh mỳ.

Tôi hỏi Nguyên thứ chi trong lọ vậy? Nhưng hắn mỉm cười vẻ bí hiểm.

Hồi đó hình như nghỉ thi học kỳ hơn tuần, Nguyên rủ tôi về quê Nguyên ở Trường Yên Ninh Bình.

…Nhà đông người nên bà mẹ Nguyên có sáng kiến đổi gạo quê ra gạo mậu dịch đâu như tỷ lệ gấp rưỡi. Vậy mà cái nồi ba bằng đồng mỗi bữa cũng chỉ chạm tí đến cổ nồi. Cái hơi cơm gạo mậu dịch sực lên trong gian bếp bé tẹo. Nhưng nào có hề hấn gì. Món cá rô quê mà Nguyên gọi là rô Tổng Trường ông chú Nguyên mang sang vào tay bà mẹ chỉ một chốc hóa thành thứ bắt mồm bắt mũi cả nhà, nhất là với cánh sinh viên như tôi quanh năm đói khát. Con rô để nguyên cả vảy chỉ mổ sơ qua để giữ bọng mỡ hoặc trứng. Mẹ Nguyên dùng kẹp tre nướng sơ. Vậy mà mỡ nhểu xèo xèo. Nước mắm không có, mẹ lấy thứ xì dầu bán ngoài HTX mua bán loãng toẹt, đập vào mấy củ hành rồi đem kho lên. Lớp vẩy đâm giòn rụm và đậm miệng vô cùng. Lại còn nồi dấm chua cá rô nấu với khế vườn nhà. Cứ gọi là thun thút cả già lẫn trẻ.

Có cá làm vạ cho cơm/ Kẻ xới người đơm không lịp”. Lịp? Thấy tôi hỏi lại cái từ này, mẹ Nguyên cười móm mém “Lịp là kịp ấy mà” Ra thế. Vùng Trường Yên hóa ra còn tồn nhiều từ địa phương mà cũng có thể là từ cổ?

Từng nghe Nguyên kể trước rằng mẹ thuộc nhiều ca dao lẫn Kiều. Nhưng tôi vẫn bất ngờ vì đương nhẩn nha gỡ miếng rô nục nạc, chất giọng mẹ Nguyên bỗng như lảnh lót “… Thấy thuyền vua Lý đương rời kinh đô/ Khi đi những cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”. Tổng Trường là Tổng Trường Yên. Trường Yên là cái cách gọi kinh đô Trường An bên Tàu có lẽ duyên do từ thời tít mù tắp Đinh Bộ Lĩnh? Ngẩn người vì câu ca dao mẹ Nguyên vừa dẫn, tôi quên cả lời mẹ Nguyên giục ăn… Chao ôi thứ cá rô Tổng Trường từng là thứ tiến vua Đinh Tiên Hoàng, là thứ thời trân nơi lầu son gác tía. Quốc yến mở mà những vua quan cô cậu quên béng chỉ nhớ mỗi món cá rô Tổng Trường! Món thời trân ấy nay dùng để đưa thứ cơm gạo mậu hôi xì mà cơm vẫn không đủ, vẫn thòm thèm…

Thằng Ngữ em út Nguyên chợt toang toác “Anh Nguyên về có anh Ba về theo nên hai bữa nay được ăn cơm không”; “Thế mọi hôm cơm gì?”. Vẫn cái mạch hoan hỉ cu Ngữ không để ý đến cái lừ mắt của mẹ cứ bô bô tiếp “Là độn sắn khô với cả giong riềng”. Tôi ắng lặng. Cái củ giong riềng quê tôi còn lạ gì? Người ta mài thành bột chế ra món miến dong. Nhưng củ giong không kịp biến thành bột thành miến. Cữ đói phải luộc vội hoặc ghế lẫn với cơm. Đương đói cái giống giong riềng không biết có chất gì ăn vào xót ruột lắm. Phải lèn, phải độn thêm cơm là thế!

Rô Tổng Trường

Rô Tổng Trường

Bữa sau tôi nằng nặc lẫn khư khư dân vận với bà mẹ Nguyên chuyển cái nồi ba thành nồi năm nấu cơm độn sắn khô ghế thêm giong riềng. Chao ôi những năm tháng ấy, nhà thêm một miệng ăn dẫu chỉ vài hôm đã thoắt thành nhiêu khê thế nào.

Tôi theo Nguyên sang nhà ông chú. Nhà chú nép ven khoảnh ao hồ nước xanh rợn. Ao ấy khởi phát nguồn từ tít mãi những vòm động đá của Hoa Lư Trường Yên. Thấy tôi với Nguyên cắm cúi với cái cần câu; như Nguyên hăm hở là khoảng ao hồ kia lắm cá rô Tổng Trường, ông chú cười “Cữ tháng chín ta này cá ít bén mồi. Nhất là cái anh rô Tổng Trường”. Ông chú Nguyên sát cá lắm. Nhất là khoản rô Tổng Trường. Nhưng không phải bằng cái cần câu như chúng tôi mà ông có cách. Cách ấy là ông dùng lờ đứng. Lờ rô đứng của ông chú có hai loại. Loại chìm và nổi. Chìm là đoạn nước nông, ông thò tay xuống vét sạch một khoảng bùn bằng cái đĩa sao cho diện tích bằng thể tích cái lờ dựng đứng. Mồi nhử cá rô bằng vốc nhỏ thóc mà ông cất công ngâm ủ. Không dùng cọc cố định lờ mà ông khéo léo dựa vài búi năn, búi lác.

Loại lờ nữa là lờ treo dùng để thả chỗ nước sâu. Ông nối thêm vào miệng lờ một cái ngăn dùng để đựng thóc rồi tìm những chỗ năn, lác cột lại.

Cái anh rô cố đô Tổng Trường tinh khôn, khảnh ăn ít đụng dính vào mồi câu tạp. Nhưng tinh khôn là thế đến giờ vi hành đến chặng điểm tâm phải ăn chút gì chứ nhỉ? Mẻ không ăn mẻ cũng chết nữa là loài thủy tộc được tiếng là khó tính sang trọng này? Có lẽ đã chẳng đặng đừng trước thứ mồi thóc ngâm thum thủm ngon lành quyến rũ. Trong làn nước đồng chiêm thuở chưa vướng thuốc trừ sâu diệt cỏ trong văn vắt, khoảng thóc mồi như tỏa ra thứ ánh sáng ma quái! Cũng có tí ti cảnh giác. Cũng những là lượn lờ chán chê nhưng rồi một con, hai con… Cả bầy nối nhau chui vào khoảng thóc đang phát ra thứ ánh sáng chết người ấy. Đớp xong hạt thóc, theo phản xạ rướn mình lên chắc có lẽ để thưởng thức miếng mồi thế là tức khắc chui tọt qua cái hom lờ thấp tịt.

Không có thứ mồi nhử nào tốt hơn thóc ngâm. Mà phải là thóc chiêm chắc và sáng hạt. Trong cái đám cái loài thủy tộc, chả cứ giống Tổng Trường - loài rô đặc biệt khoái khẩu thứ thóc. Tôi chợt nhớ những thửa chiêm trũng nước đóng lưng thân lúa, mùa lúa chín những bông bỗng nhiên xác xơ! Cá đớp đấy. Mà thủ phạm là đám cá rô phàm ăn.

Một góc Trường Yên, Hoa Lư

Một góc Trường Yên, Hoa Lư

Rô Tổng Trường trên Bái đường Đền Vua Lê Hoàn

Rô Tổng Trường trên Bái đường Đền Vua Lê Hoàn

(Ấy là chuyện, là huyền tích tuổi thơ dại của thời đói kém chúng tôi. Có lẽ bói cũng không ra trong cái thời buổi ô nhiễm bi giờ? Đất nước đồng chiêm đều dính thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Sải bước bên cánh đồng chiêm tuổi thơ tai bặt hẳn âm thanh ếch nhái cào cào châu chấu. Mắt ngó xuống khoảng nước trong vắt trắng rợn bặt bóng dáng từng con cân cấn đòng đong. Nhớ thêm những rong đuôi chó rờn xanh trên khoảng ao chuôm nhà ông chú Nguyên. Các nhà sinh học đều cho rằng rong đuôi chó là tiêu chí của một môi trường nước sạch!).

Sáng hôm sau, theo thuyền nan của ông chú thăm lờ. Từ xa ông đã chỉ cho chúng tôi kèm chất giọng hồi hộp. Cái kia, cái nọ có rô đấy! Sao chú biết? Là nom đám bọt nổi lên quanh lờ. Trời đất ơi ngó động thái chú khom người trên thuyền khéo léo khẽ khàng nâng cái lờ tre mỏng manh lên (nếu hấp tấp kéo mạnh thì đám rô trĩu nặng kia sẽ tụt mất), hai tay chú trịnh trọng nâng thành quả lao động nhẹ nhàng trút vào cái giỏ tướng.

Có lúc ông khuấy chèo rất nhẹ. Ông bày cho tôi cái thú áp sát vỗ nhẹ vào chiếc lờ đứng nào đó. Một âm thanh hỗn tạp tưng bừng bất ngờ dậy, rồ lên. Rô trong lờ bị đánh động nên rồ lên một cơn hoảng hốt bất thần!

Tôi ngó kỹ đám rô roi rói, bóng nhẫy. Cái giống rô Tổng Trường hình như có khác thứ rô đồng đất quê tôi? Đầu như múp hơn. Đực hay cái đều có cái chấm nâu đen ở đuôi và mang? Thứ cái mình tròn lẳn hơi phình phía bụng. Trứng kiêm mỡ đấy. Rô mang thai đeo trứng nhọc nhằn. Những 5 tháng? Thứ đực thon hơn như vẫn kềnh kệnh một cục mỡ!

Tôi chợt nhớ nhà mẹ Nguyên có hai cái lọ thủy tinh to nguyên ủy nó đựng thuốc phì nhi cam tích. Hai cái lọ mẹ Nguyên trữ trứng và mỡ cá rô. Bữa nọ, bà nhảo ra vườn hái nắm rau vặt ở vườn. Khẽ khàng mở cái lọ đựng trứng ra. Trứng cá rô đã xào qua lấy ra hai thìa nhỏ. Thứ rau vặt vườn nấu canh với trứng cá rô Tổng Trường ngọt mát hơi bị trôi cơm.

Còn lọ mỡ cá. Cũng phải làm cái việc thống kê. Mẹ Nguyên, cả nhà Nguyên, cả các bà các cụ. Tuốt tuột đám đàn bà con gái, cả đàn ông khắp vùng Tổng Trường Yên này về mùa lạnh đều bị chứng nẻ toác cả da do nhiễm nước đồng chiêm! Nhưng không hề gì. Đã có thứ mỡ cá rô trị cực kỳ hiệu nghiệm. Vết nẻ nhanh chóng trơn tru nhờ có thứ mỡ cá rô thần kỳ này. Chẳng hay các hãng mỹ phẩm trên hành tinh này, đã có vị nào để mắt đến thức mỡ cá rô, nhất là loại rô cố đô Tổng Trường này chưa nhỉ?

Giờ ngồi gõ những dòng này, đâm lẩn thẩn có ý trách nhẹ ông chú lam lũ sát cá rô Tổng Trường năm xa. Quanh năm mỗi vụ rộ rô như thế, ông chú (vô tình?) đã làm cái việc sát sinh bao nhiêu là sinh linh rô Tổng Trường. Li ti ngàn triệu cái trứng. Mỗi trứng là một rô Tổng Trường? Nhưng thôi, có lẽ cần thể tất các thứ trong cái thời đói kém gian nan lẫn mông muội ấy chứ nhỉ? Cái câu “dân dĩ thực vi thiên” (dân coi cái ăn như giời kia mà) chim trời cá nước, cơm làm ruộng cá kiếm ăn. Thôi thì trăm đường mặc sức mà bươn chải. Giời sinh voi khắc sinh trăm giống cỏ mà.

Bữa sắp đi, tôi chú mục vào bàn tay răn reo nhưng lẹ làng khéo léo của mẹ Nguyên đang chế món ruốc cá hay là cá muối cho Nguyên mang theo như mọi lần. Chính là thứ “thời trân” khiến tôi cùng Nguyên từng đánh bay 4 cái bánh mỳ dạo nọ!

Một cái lọ phì nhi cam tích khác đã hong khô, mở sẵn chờ đợi cái giây phút mà tổ hợp trong cái niêu đất kia trút sang. Thứ cá rô mẹ Nguyên nướng sơ, gỡ ra ngào kỹ với mớ riềng hành khô giã nhỏ với muối rang. Mẹ nhanh tay đảo đều cho tổ hợp ấy kỳ quắt queo. Rồi người nhảo ra vườn ngắt mớ ngò gai thái chỉ rắc lên. Một mùi thơm, nói như nào nhỉ, khủng khiếp kiêm dịu dàng lựng khắp gian bếp.

*

* *

Năm tháng mây bay nước chảy. Ông bạn Nguyên hiện đương định cư ở xứ người. Bà mẹ Nguyên cùng ông chú từ lâu đã về với ông bà ông vải. Chả nhớ bao lần mình lại ghé đất Trường Yên cố đô Hoa Lư. Giống cá rô Tổng Trường vẫn còn. Còn nhiều nữa là khác vì đã phổ biến kỹ thuật nhân giống nuôi thả sao đó năng suất khá cao.

Cũng chả nhớ những bữa ăn xôm tụ các món trong đó có món rô hấp rô rán Tổng Trường. Lại cả món canh, món bún cá rồi trứng rô… Nhưng nhiều người kháo nhau cứ có cảm giác sàm sạp, nhàn nhạt thế nào? Rằng thứ rô nuôi chất lượng nó thế? Phải vậy không? Hay đã tuyệt tự giống rô tự nhiên, nguyên thủy? Hay cái miệng thời đói thiếu ấy nó khác? Chả biết nữa…

Những lần ghé Đền Vua Đinh, Vua Lê tôi đều tha thẩn rồi hếch mắt lên khoảng chạm tinh xảo trên mái hiên Bái đường thể hiện đề tài kinh điển cá hóa long. Nhưng ngạc nhiên chưa, hỡi các du khách, cá trên hiên Bái đường chả phải là chép mà là thứ… rô Tổng Trường! Đầu cá biến thành đầu rồng, còn thân cá là thân cá rô. Một bức khác đương sống động chĩnh chiện một cặp rô (xem ảnh). Có lẽ, trong nghệ thuật chạm khắc cung đình kim cổ, chưa có thứ linh vật nào như con cá rô ở Tổng Trường thoắt cái lên đời uyển chuyển bình đẳng, rất ăn nhập cùng những long, ly, quy, phượng?

Chợt nhớ câu của một bạn thơ “Vĩ nhân cùng những đời vua/ Cũng từ rau má ốc cua mà thành”. Bức phù điêu ấy như trích đoạn một đời sống dung dị dân dã hòa quyện giữa vua tôi cùng các thần dân Đại Việt một thời!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ro-co-do-post1717398.tpo