Rào cản trong phát triển sản phẩm tái chế ngành dệt may

Phát triển mô hình tái chế vật liệu để giảm chất thải, bảo tồn tài nguyên đang là nỗ lực của ngành dệt may. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản với sản phẩm tái chế ngành này.

Nhu cầu gia tăng

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện nay, dựa theo nhu cầu của các nhà nhập khẩu, một số loại quần áo đã bắt đầu phải sử dụng các nguyên phụ liệu tái chế. Trong đó, có những mặt hàng phải pha chế 30-60% nguyên liệu tái chế trong mỗi sản phẩm.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Phoebe Trương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương (LPTEX) cho biết, nếu sản phẩm có sử dụng polyester tái chế hoàn toàn thì chất lượng sản phẩm sẽ không đạt độ tinh khiết cao như các mặt hàng thông thường, nên bắt buộc doanh nghiệp phải pha trộn. Qua đó, tùy vào nhu cầu khách hàng mà tỷ lệ pha trộn dao động ở mức 30-70%, đôi khi là 100% đối với sản phẩm có polyester tái chế và 30-40% đối với vải len tái chế…

Cụ thể, một số đối tác tại thị trường Nhật Bản của LPTEX đang yêu cầu khoảng 30% polyester tái chế/sản phẩm, thị trường EU đề xuất khoảng 30% len tái chế/sản phẩm… Đây là hành động mà các đối tác hướng đến, nhưng chưa thể yêu cầu nhà cung cấp thực hiện, bởi nguồn nguyên phụ liệu đầu vào còn rất hạn chế.

Tại Việt Nam, vấn đề tái chế vẫn còn mới mẻ, nên hầu hết doanh nghiệp bắt buộc phải “đánh” mạnh yếu tố về giá, hợp thời trang. Tuy nhiên, sự quan tâm và nhu cầu của người tiêu dùng đã bắt đầu “chớm nở”, nên các sản phẩm 100% từ len đang được Liên Phương phát triển ở mức 10-20% tại thị trường nội địa.

Có thể thấy, đó là xu thế phát triển xanh, bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

Nỗ lực, nhưng kết quả chưa cao

Xu hướng là vậy, doanh nghiệp cũng không phải không mặn mà, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến các yêu cầu chưa thể đáp ứng được, nên việc tham gia quá trình xanh, tái chế… gặp nhiều khó khăn.

Ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam thông tin, việc tái chế đa số còn mang tính thủ công, nên đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, việc thu gom nguồn nguyên liệu phục vụ tái chế không ổn định...

Câu hỏi đặt ra là làm sao để nguyên liệu tái chế có thể rẻ hơn so với nguyên liệu thường. Tuy nhiên, bà Trần Thị Trà My, đại diện Công ty TNHH VietKai cho biết, đa số các nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường đều được doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, vì Việt Nam vẫn chưa có nhà máy nào đủ năng lực sản xuất.

“Việt Nam có các nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường để sản xuất da như lá sen, bột ngô…, song do kỹ thuật chưa được nâng cao, dẫn đến giá thành cao hơn so với hàng nhập khẩu của Trung Quốc”, bà My chia sẻ.

Đây được xem là thách thức rất lớn trong sản xuất sản phẩm có khả năng tái chế. Về phía Liên Phương, doanh nghiệp này vẫn phải nhập nguồn sợi có nguyên phụ liệu tái chế từ Trung Quốc và nhập khẩu từ Australia đối với sản phẩm 100% từ vải len. Do đó, giá thành sản phẩm sẽ tăng 5-15%, tùy vào nguồn cung của thị trường và giá trị nguyên liệu tái chế để sử dụng cho sản phẩm.

“Nếu không dựa vào các ưu đãi về thuế thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản..., thì sản phẩm tái chế của Việt Nam không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc”, bà Phoebe Trương nhận định.

Ngoài ra, Liên Phương đang tiếp tục nỗ lực hợp tác với nhà cung cấp tại Hàn Quốc để tạo ra các loại sợi có thể tự phân hủy trên mặt đất với thời hạn sử dụng 2-3 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chắc chắn người tiêu dùng Việt Nam có thể chấp nhận sử dụng sản phẩm này.

Việc đầu tư phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có khả năng tái chế đang là điểm cộng để doanh nghiệp dệt may nhận được đơn hàng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang cùng với Bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ để hướng dẫn về chiến lược dệt may giai đoạn 2021-2035 và tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, các địa phương có thể quy hoạch vùng đất để đầu tư vào các khu công nghiệp đạt các chuẩn về môi trường, nước thải…

Theo ông Vũ Đức Giang, song hành với việc này, các chính sách cần có tính thực tế, nếu có bất cập thì cần điều chỉnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thị trường.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rao-can-trong-phat-trien-san-pham-tai-che-nganh-det-may-d199916.html