Quyết tâm tạo đột phá để phát triển bền vữngNhận diện hạn chếTận dụng thời cơ để bứt phá

Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ÐMST) và chuyển đổi số (CÐS) được tỉnh Cà Mau xác định là yếu tố cốt lõi, trọng tâm hàng đầu để thúc đẩy và quyết định sự phát triển ổn định, bền vững. Thời gian qua, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai ÐMST và CÐS theo từng ngành, lĩnh vực, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Nhận diện hạn chế

Minh chứng cho kết quả đó, nhiều sản phẩm KHCN đã được triển khai áp dụng và phát huy hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi thủy sản và biến đổi khí hậu.

Công tác CÐS cũng ghi nhận kết quả bước đầu trên cả 3 trụ cột, là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Người dân đã dần quen và tham gia vào các sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất; các loại hình đào tạo, giáo dục và khám bệnh từ xa được hình thành và phát triển. Phương thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước dần được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong công tác chỉ đạo, điều hành; các dịch vụ hành chính công được đưa lên nền tảng trực tuyến, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KHCN, ÐMST và CÐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn hạn chế. Trong đó, số lượng, chất lượng các sản phẩm KHCN và ÐMST quy mô còn nhỏ, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước; một số sản phẩm chưa phát huy hiệu quả khi triển khai áp dụng vào thực tiễn; hạ tầng để phục vụ CÐS còn yếu kém, thiếu đồng bộ; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút, giữ chân nhân lực chất lượng cao, nhà khoa học... đến làm việc tại tỉnh...

Nguyên nhân được nhìn nhận là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích từ đột phá phát triển KHCN, ÐMST và CÐS của nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Tư duy ngại đổi mới, quan điểm giữ “vùng an toàn” trong công tác vẫn còn tồn tại ở một số cấp ủy, người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN, ÐMST và CÐS còn hạn chế.

Quy trình kiểm nghiệm chất lượng các mẫu nước, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi tại Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau.

Quy trình kiểm nghiệm chất lượng các mẫu nước, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi tại Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau.

Tận dụng thời cơ để bứt phá

Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ÐMST và CÐS quốc gia (Nghị quyết 57), trong đó xác định KHCN, ÐMST và CÐS là nhiệm vụ chính trị chiến lược, đòn bẩy thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh. Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao là nhân tố then chốt; sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, vai trò hoạch định, tổ chức quản lý, điều hành của các cấp chính quyền là điều kiện tiên quyết để tạo đột phá KHCN, ÐMST và CÐS. Ðồng thời, phát triển hạ tầng KHCN trên nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, tập trung, cương quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải; chú trọng đảm bảo an toàn, an ninh mạng, an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân trong quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung và thông tin cá nhân...

Với quyết tâm tạo đột phá phát triển KHCN, CÐS, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP của tỉnh; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 95%; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 80%; 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ liên thông trên toàn tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ÐMST đạt trên 40%. Nguồn nhân lực kỹ thuật, KHCN, ÐMST và CÐS đạt 12 người/vạn dân. Tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ÐMST và CÐS không thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, quy mô kinh tế số của tỉnh đạt tối thiểu 50%; KHCN, ÐMST và CÐS thuộc nhóm khá của cả nước, một số ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh thuộc nhóm dẫn đầu, mũi nhọn của cả nước. Thu hút tối thiểu 5 doanh nghiệp tầm quốc gia đầu tư tại tỉnh có công nghệ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến...

Ðể đạt mục tiêu đó, Tỉnh ủy đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về vai trò và tầm quan trọng của đột phá phát triển KHCN, ÐMST và CÐS quốc gia trong toàn xã hội; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Tạo đột phá trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ÐMST và CÐS.

Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ÐMST và CÐS. Phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðẩy mạnh CÐS, ứng dụng KHCN, ÐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Thúc đẩy hoạt động KHCN, ÐMST và CÐS trong doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường hợp tác phát triển KHCN, ÐMST và CÐS và liên kết vùng.

Bằng những giải pháp thiết thực, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, KHCN, ÐMST và CÐS sẽ là thời cơ tốt nhất để tỉnh Cà Mau song hành cùng với cả nước phát triển bền vững, giàu mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quyet-tam-tao-dot-pha-de-phat-trien-ben-vung-a37433.html