Quyết liệt di dời trụ sở các bộ, ngành

Một trong những nội dung quan trọng của điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 là định hướng không gian hạ tầng xã hội. T

Thúc đẩy phát triển các không gian công cộng, không gian xanh, cây xanh, mặt nước đô thị . Ảnh Lê Việt

Thúc đẩy phát triển các không gian công cộng, không gian xanh, cây xanh, mặt nước đô thị . Ảnh Lê Việt

Trong đó, hệ thống trụ sở bộ, ngành được xác định sẽ quyết liệt di dời ra khỏi khu vực nội đô; tiếp tục thực hiện bố trí tập trung các cơ quan của TP quanh khu vực Hồ Gươm.

Hệ thống trụ sở xuống cấp, phân tán

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC 2011), đối với các cơ quan chính trị, hành chính cấp quốc gia tiếp tục được bố trí tại khu vực Ba Đình, cải tạo và nâng cấp thành quần thể kiến trúc cảnh quan tiêu biểu. Đồng thời, thực hiện di dời một số chức năng tại khu vực này để có điều kiện cải tạo, nâng cấp về điều kiện làm việc và cơ sở hạ tầng. Đối với công sở cơ quan T.Ư, thực hiện di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử về các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Quỹ đất sau khi di dời dành để giải quyết nhu cầu mất cân đối về hạ tầng xã hội của địa phương và TP.

Còn đối với cơ quan hành chính của TP, tiếp tục đặt vị trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Các cơ quan công sở của TP sẽ được hợp khối chức năng và xác định ở vị trí thích hợp. Đối với mạng lưới các viện và trung tâm nghiên cứu đầu ngành, thực hiện phân bố lại mạng lưới, gắn kết với các cơ sở đào tạo hoặc các cơ sở sản xuất.

Thực hiện triển khai quy hoạch, tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị trong khu vực 12 quận nội thành Hà Nội cũng như giao nhiệm vụ cụ thể đến các bộ, ngành liên quan. Theo đó, các đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội - kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

Quỹ đất sau khi di dời các đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không tăng chất tải cho khu vực nội thành. Quỹ đất này phải được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho DN bị di dời.

Căn cứ vào từng vị trí, địa điểm cụ thể cần xem xét đánh giá để sử dụng hiệu quả quỹ đất và công trình cho các chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, bố trí cơ sở hạ tầng và công cộng phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đối với những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo và ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, qua rà soát, đánh giá cho thấy, phần lớn các trụ sở hành chính do bộ, ngành T.Ư quản lý được xây dựng từ trước năm 1975, cơ sở vật chất xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn, sau nhiều lần nâng cấp, cải tạo nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu làm việc của công tác quản lý hành chính. Bên cạnh đó, thực trạng phân bố các trụ sở làm việc bộ, ngành chưa hình thành các khu tập trung mà cơ bản phân tán thành 3 cụm gồm: khu vực trung tâm Ba Đình, khu phố cũ và khu vực Cầu Giấy.

Trụ sở các cơ quan của TP Hà Nội phân bố chủ yếu tại khu vực phố cũ, khu vực Hà Đông (thủ phủ TP Hà Đông cũ). Năm 2020, một số sở, ngành của TP đã di chuyển về khu trụ sở Liên cơ quan Võ Chí Công. Hệ thống các viện nghiên cứu cũng tập trung chủ yếu tại khu phố cũ, khu Hà Đông, một số viện đã di dời ra các cơ sở mới ở Cầu Giấy, viện thuộc bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng trụ sở mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. “Hệ thống công sở chủ yếu có quỹ đất chật hẹp, không gian làm việc hạn chế, hạ tầng cơ bản không phù hợp tiêu chuẩn, và phân tán ở rất nhiều địa điểm tại các quận nội thành hiện đang rất quá tải về hạ tầng đô thị. Vì thế, việc di dời đến nơi được quy hoạch, xây dựng tập trung, bài bản là cần thiết và bắt buộc phải làm” – ông Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh.

Triển khai đồng bộ các chủ trương di dời

Có thể thấy sau hơn 10 năm thực hiện theo QHC 2011, một số cơ quan, đơn vị đã từng bước di dời ra các vị trí mới. Tuy nhiên sau khi di dời, những cơ quan, đơn vị này chưa thực hiện việc bàn giao quỹ đất cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng. Việc thực hiện di dời các cơ quan bộ, ngành tại khu vực nội thành theo định hướng QHC 2011 và Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và chưa đồng bộ, do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách. Do đó việc kiểm soát quỹ đất sau khi di dời để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, như công viên cây xanh, trường học các cấp, bãi đỗ xe, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khác gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho hay, để đẩy nhanh việc di dời, sắp xếp hệ thống công sở, viện nghiên cứu, văn phòng làm việc trên địa bàn TP Hà Nội, trong hai bản quy hoạch lớn mà TP đang lập đó là Điều chỉnh QHC Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô, Viện đã đề xuất rà soát, tích hợp nội dung quy hoạch hệ thống công sở, viện nghiên cứu. Đặc biệt, đề xuất thực hiện quyết liệt Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và cần có sự chỉ đạo thống nhất cũng như cơ chế chính sách đối với các khu đất sau khi di dời.

Sớm hoàn chỉnh các danh mục, tiêu chí, lộ trình, cơ chế và biện pháp di dời, đồng thời có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài nội thành để TP ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, đặc biệt tại các khu vực nội đô lịch sử, khu vực có hạ tầng đô thị quá tải. Cùng đó, bổ sung việc phân bổ, xác định quỹ đất dành cho các viện nghiên cứu tại khu vực dự kiến hình thành các trường đại học, đào tạo, trụ sở bộ ngành, cơ sở sản xuất mới theo quy hoạch.

Tiếp tục thực hiện việc bố trí tập trung các cơ quan của TP về quanh khu vực Hồ Gươm. Phân kỳ đầu tư, xây dựng cơ chế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo chủ trương xã hội hóa đầu tư. Nghiên cứu bố trí hệ thống trung tâm hành chính mới cho các TP trực thuộc Thủ đô dự kiến hình thành.

Bên cạnh quyết tâm từ đề xuất định hướng quy hoạch của TP, ngày 20/4/2023, tại Quyết định số 423/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 (gồm Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành T.Ư tập trung tại khu Tây Hồ Tây và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành T.Ư tập trung tại Mễ Trì).

Đây là cơ sở quan trọng để sớm triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, để sớm đạt được kết quả cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao.

Quy hoạch các trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với định hướng QHC 2011 và một số đề xuất của điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô đang thực hiện. Để sớm triển khai hiệu quả quy hoạch này, rất cần có cơ chế đặc thù về ngân sách để bảo đảm thực hiện theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, cần có sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, có như vậy mới không rơi vào tình trạng ì ạch như việc thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg từ năm 2015 của Thủ tướng.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
KTS Đào Ngọc Nghiêm

Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyet-liet-di-doi-tru-so-cac-bo-nganh.html