Quy hoạch vùng nguyên liệu và sản xuất nông sản sạch
Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định công nghiệp chế biến nông sản là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tỉnh tiếp tục duy trì các biện pháp ưu tiên thúc đẩy đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở chế biến thủy hải sản và các sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP); thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm...
Tạo vùng nguyên liệu tập trung
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất tạo vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại như VietGAP, GlobalGAP, công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 459 mô hình "Cánh đồng lớn" với tổng diện tích 21.037ha chuyên sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao cho tăng hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm; trong đó, 414 mô hình chuyên canh lúa gạo với diện tích 19.681ha.
Những thay đổi này giúp sản phẩm lúa gạo chuyển từ sản xuất đại trà sang chất lượng cao, gia tăng giá trị gấp 1,5 - 5 lần; tiêu biểu là các sản phẩm gạo đặc sản, gạo hữu cơ được sản xuất bằng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, có 45 mô hình cây màu và cây dược liệu với diện tích 1.356ha.
Với ngành chăn nuôi, tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học với 49 cơ sở đạt chuẩn an toàn dịch bệnh. Quy mô mở rộng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh, sản lượng đạt trên 142.000 tấn/năm, bảo đảm nguồn cung an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, cung cấp cho thị trường trong nước và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu.
Ngành thủy sản của tỉnh liên tục tăng trưởng sản lượng, đạt khoảng 220 nghìn tấn/năm; với 554/567 tàu, đạt 97,7% tàu cá được trang bị giám sát hành trình, cam kết khai thác biển bền vững, mỗi năm cung cấp trên 61 nghìn tấn nguyên liệu cho chế biến. Đồng thời, chú trọng nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, các địa phương đã hình thành trên 70 vùng nuôi thủy sản tập trung; trong đó, 500ha nuôi ngao của Nam Định đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới.
Đầu tư chế biến chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu
Các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thay thế dần các thiết bị lạc hậu để nâng cao công suất, chất lượng, đa dạng các sản phẩm nông sản chế biến, nhằm tăng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đơn cử, Công ty TNHH Toản Xuân - đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là "Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn" theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn HACCP.
Để có thể cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao, bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cánh đồng đến sản phẩm cuối cùng; Công ty còn sử dụng công nghệ máy sấy vỉ ngang với công suất 400 tấn/ngày, bảo đảm nhanh nhất thời gian từ lúc gặt cho đến khi vào lò sấy không quá 3 tiếng đồng hồ, tối ưu dưỡng chất của hạt lúa.
Đặc biệt, trong quá trình chế biến, vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên của gạo làm tăng giá trị sử dụng của sản phẩm; đáp ứng thị trường trong nước và tiêu chuẩn xuất khẩu, mang thương hiệu nông sản Nam Định ra thị trường quốc tế, có mặt tại các thị trường khó tính, như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Hoặc như Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Xá đã trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại nhập khẩu từ châu Âu áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, luôn bảo đảm sản xuất các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và yêu cầu kỹ thuật của khách hàng, nên đã nhanh chóng có thị phần ổn định tại thị trường châu Âu, Mỹ... và thị trường trong nước.
Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản những năm qua được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn được đưa lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Hiệp hội Nông nghiệp sạch đẩy mạnh hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm với hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, Nam Định chú trọng phát triển các chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Trong đó, các ngành chức năng, các địa phương đã lựa chọn doanh nghiệp "đầu tàu" có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường… nhằm hỗ trợ thiết lập, dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản trên cơ sở gắn kết lợi ích giữa các nhà chế biến với người sản xuất và cung cấp nguyên liệu.