Quy định mới nhất 2023 về bảo hiểm ô tô, các tài xế không nên bỏ qua

Bảo hiểm ô tô là một trong những loại giấy tờ không thể thiếu khi tham gia giao thông. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả tất cả những thông tin cần thiết về loại giấy tờ này.

Bảo hiểm ô tô, bảo hiểm bắt buộc ô tô là gì?

Theo đó, bảo hiểm ô tô là loại bảo hiểm kết hợp nhiều loại hình bảo hiểm bao gồm cả về con người, tài sản, hàng hóa vận chuyển có liên quan đến xe ô tô.

Bảo hiểm bắt buộc ô tô là tên gọi khác dùng để chỉ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Chủ xe ô tô bắt buộc phải mua loại bảo hiểm này để được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô. Đây là một trong những loại giấy tờ không thể thiếu khi tham gia giao thông. Mức phí bảo hiểm ô tô bắt buộc sẽ là khác nhau đối với từng loại xe chuyên dụng, thông thường, trọng tải, số ghế ngồi.

Bảo hiểm ô tô là một trong những loại giấy tờ không thể thiếu khi tham gia giao thông.

Trên thị trường bảo hiểm ô tô hiện nay có 4 hình thức bảo hiểm phổ biến gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới; bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.

Trong đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự ô tô là loại hình mà tất cả cá nhân hay tổ chức nào sở hữu xe hơi đều phải mua theo luật pháp Việt Nam. 3 loại hình bảo hiểm còn lại hoàn toàn do khách hàng tự nguyện theo thỏa thuận với các công ty bảo hiểm, không thể thay cho bảo hiểm bắt buộc ô tô khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình.

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, khi mua bảo hiểm ô tô bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba và bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách nếu nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do ô tô gây ra.

Bảo hiểm ô tô bắt buộc bao nhiêu tiền?

Theo quy định, phí bảo hiểm bắt buộc ô tô trong thời hạn 1 năm đối với từng loại xe được quy định như sau:

Mua bảo hiểm ô tô bắt buộc ở đâu?

Mua bảo hiểm ô tô trực tiếp hoặc online

Trên thị trường có rất nhiều đơn vị bán bảo hiểm ô tô. Người dân có thể dễ dàng mua được loại bảo hiểm này tại nhiều địa chỉ khác nhau. Hiện nay, chủ xe ô tô có thể mua bảo hiểm bắt buộc tại các địa chỉ sau:

- Mua bảo hiểm ô tô bắt buộc bản giấy: Đến trực tiếp các địa chỉ sau:

Trụ sở công ty bảo hiểm.

Đại lý phân phối bảo hiểm.

Ngân hàng.

Cây xăng.

- Mua bảo hiểm ô tô bắt buộc online:

Các ứng dụng điện thoại: Viettelpay, Momo, Lazada, Grab hoặc ứng dụng của chính các hãng bảo hiểm.

Website của các hãng bảo hiểm.

Nên tìm đến các điểm bán bảo hiểm ô tô uy tín để mua.

Nên mua bảo hiểm ô tô bắt buộc của hãng nào?

Trên thị trường có rất nhiều công ty bán bảo hiểm ô tô bắt buộc. Tuy nhiên, chủ xe nên chọn các hãng bảo hiểm uy tín để đảm bảo được giải quyết quyền lợi đầy đủ và nhanh chóng khi xảy ra tai nạn. Có thể kể đến các công ty sau:

- Bảo hiểm Bảo Việt.

- Tổng công ty bảo hiểm PVI.

- Bảo hiểm Quân đội MIC.

- Bảo hiểm VNI.

- Bảo hiểm Bảo Minh.

- Bảo hiểm LIAN.

- Bảo hiểm VietinBank.

- Bảo hiểm BIC.

- Bảo hiểm Vietcombank.

- Bảo hiểm PTI.

- Bảo hiểm AIA Việt Nam.

- Bảo hiểm BIDV.

Lợi ích khi có bảo hiểm ô tô

Tham gia bảo hiểm bắt buộc ô tô không chỉ trách nhiệm và nghĩa vụ dân sự của chủ phương tiện mà còn đem đến cho chủ xe những lợi ích sau đây:

- Đầu tiên, có thể xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến người và phương tiện khi CSGT yêu cầu, từ đó tránh được việc bị xử phạt vi phạm giao thông.

- Nếu không may xảy ra tai nạn thuộc phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm trách nhiệm ô tô, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho chủ xe cơ giới hoặc người lái xe có trách nhiệm dân sự được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm số tiền mà người này đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Điều này sẽ giúp chủ xe tiết kiệm được chi phí bồi thường, giảm thiểu rủi ro về tài chính khi xảy ra tai nạn.

Mức bồi thường bảo hiểm ô tô là bao nhiêu?

Theo khoản 6 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc ô tô bao gồm mức bồi thường bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng và mức bồi thường bảo hiểm về tài sản. Cụ thể như sau:

Mức bồi thường về sức khỏe, tính mạng:

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.

Số tiền bồi thường bảo hiểm cụ thể được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại hoặc theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức bồi thường tại Phụ lục VI Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

Trường hợp có quyết định của tòa án thì căn cứ vào quyết định của tòa án nhưng không vượt quá mức bồi thường tại Phụ lục VI Nghị định 67.

Mức bồi thường về tài sản:

Theo điểm b khoản 6 Điều 12 và điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức bồi thường bảo hiểm với thiệt hại đối với tài sản/vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/vụ.

Tham gia bảo hiểm bắt buộc ô tô không chỉ trách nhiệm và nghĩa vụ dân sự của chủ phương tiện mà còn đem đến cho chủ xe nhiều lợi ích.

Thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt buộc ô tô thế nào?

Căn cứ Điều 12 và Điều 13 Nghị định 67/2023NĐ-CP, khi xảy ra tai nạn, để được bồi thường bảo hiểm ô tô, chủ xe phải thực hiện theo thủ tục sau đây:

Bước 1: Thông báo vụ việc tai nạn cho cho công ty bảo hiểm.

Sau khi xảy ra tai nạn, người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải thông báo ngay vào đường dây nóng của công ty bảo hiểm. Sau đó gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử trong 05 ngày làm việc kể từ khi xảy ra tai nạn, trừ trường hợp trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng.

Bước 2: Phối hợp với công ty bảo hiểm giám định mức độ tổn thất.

Trong 01 giờ sau khi nhận được thông báo về vụ tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục.

Chủ xe phối hợp với công ty bảo hiểm cùng các bên liên quan thực hiện giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm ngay trong 24 giờ xảy ra tai nạn.

Bước 3: Nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm bắt buộc ô tô đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ phương tiện về vụ tai nạn, công ty bảo hiểm phải tạm ứng tiền bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe, tính mạng:

- Nếu đã xác định được tai nạn thuộc phạm vi bồi thường:

Trường hợp tử vong: Tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

Trường hợp tổn thương bộ phận: Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

- Nếu chưa xác định được tai nạn thuộc phạm vi bồi thường:

Trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên: Tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm.

Trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%: Tạm ứng 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

Bước 4: Nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm ô tô.

Hồ sơ đề nghị bồi thường bảo hiểm bao gồm:

1 - Văn bản yêu cầu bồi thường.

2 - Tài liệu liên quan đến xe, người lái xe (Bản sao công chứng hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):

- Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có giấy đăng ký xe).

- Giấy phép lái xe.

- Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm.

3 - Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):

- Giấy chứng nhận thương tích.

- Hồ sơ bệnh án.

- Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y khi nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.

4 - Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản:

- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).

- Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

5 - Quyết định của tòa án (nếu có).

Bước 5: Nhận tiền bồi thường.

Mức phạt khi không có bảo hiểm ô tô

Lỗi không mua bảo hiểm bắt ô tô phạt bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, chủ xe cơ giới tham gia giao thông và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Do đó, chủ xe ô tô bắt buộc phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe ô tô. Nếu không mua loại bảo hiểm này mà đưa xe tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Như vậy, lỗi không mua bảo hiểm ô tô bắt buộc có thể bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Lỗi không mang bảo hiểm ô tô phạt bao nhiêu?

Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 yêu cầu người lái xe cơ giới tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nói cách khác, khi tham gia giao thông bằng ô tô, người điều khiển phương tiện buộc phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc ô tô.

Nếu quên không đem, người lái xe sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Lỗi sử dụng bảo hiểm ô tô hết hạn phạt bao nhiêu?

Cũng theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu sử dụng bảo hiểm ô tô hết hạn, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt về lỗi không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Hành vi này sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Trường hợp nào không được bảo hiểm ô tô bồi thường?

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, công ty bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường bảo hiểm đối với những thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau:

Khi xe gặp sự cố cần làm gì?

Khi có tai nạn xảy ra, cần gọi ngay đến hotline bảo hiểm và giữ nguyên hiện trường để công ty bảo hiểm xác nhận phần lỗi thuộc về ai và đánh giá thiệt hại của phương tiện.

Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển xe nhanh chóng khỏi hiện trường để tránh ùn tắc, nhường đường cho xe cứu thương, cứu hỏa hoặc chở người bị nạn đi bệnh viện, trước đó bạn nên chụp hình kỹ lại hiện trường từ nhiều góc để làm bằng chứng đảm bảo quyền lợi cho mình sau này.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quy-dinh-moi-nhat-2023-ve-bao-hiem-o-to-cac-tai-xe-khong-nen-bo-qua-172231114104409397.htm