Quy định chặt chẽ khi tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Đóng góp vào việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập được đề cập trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH nêu quan điểm, cần có những cơ chế, quy định chặt chẽ, tránh tình trạng có những dự án sau khi giải phóng xong thì không được triển khai, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào ngày 29/11 tới nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí đặt ra. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH đối với dự án Luật là nội dung tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng thuận với việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm khắc phục bất cập thời gian qua khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện theo hướng đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C do cấp thẩm quyền quyết định và giao cho Chính phủ quy định thực hiện chi tiết với điều kiện là phải đảm bảo công tác quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhằm tránh giải phóng mặt bằng tràn lan.

Việc Thủ tướng Chính phủ giao cho một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên là cần thiết nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện dự án nhanh, gọn, bình đẳng trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là về giá giữa các địa phương, địa bàn giáp ranh với nhau. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm các cơ quan, địa phương có cùng một dự án để công tác phối hợp không bị trục trặc, làm chậm trễ trong thực hiện dự án giữa chủ đầu tư được phân công dự án và cấp tỉnh được giao liền kề khi có những trục trặc xảy ra.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đề cập về việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nêu quan điểm: Mặc dù chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết các dự án thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng song với những kết quả đã đạt được của các dự án đã được tách trong thời gian qua thì có thể yên tâm, đồng thuận, cho phép tất cả các dự án nhóm A, B, C đều có thể được tách phần giải phóng mặt bằng khi cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác khi việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đó không thuộc đối tượng được phép giải phóng mặt bằng, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần phải quy định cụ thể là người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng đúng mục đích như dự án ban đầu được đề xuất.

Tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích của dự án

Với việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì được bố trí nguồn vốn và có quy trình, thủ tục riêng để thực hiện. Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang khẳng định, đây là mong mỏi của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nhằm rút ngắn thời gian các dự án có giải phóng mặt bằng nói chung.

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Chính sách trên khi được thông qua sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, dự án phát triển. Để có giải pháp đồng bộ khi triển khai thực hiện, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất một số vấn đề như:

Thứ nhất, quy định chi tiết trong dự thảo luật trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hoặc giao Chính phủ quy định, nhằm tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích của dự án.

Thứ hai, quy định định mức kinh tế - kỹ thuật đối với chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Thứ ba, cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án trong thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như thiên tai hay do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài để có đủ thời gian hoàn thành và kết thúc dự án.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện nay đa số các dự án chậm tiến độ có nguyên nhân là do khâu giải phóng mặt bằng. Nếu tách 2 thành phần của dự án thì sẽ tạo điều kiện địa phương chủ động hơn trong giải quyết mặt bằng, đảm bảo cho dự án được triển khai đồng bộ.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị phải làm rõ hơn như thế nào là trường hợp thật sự cần thiết để tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc để tránh việc làm sai hoặc sợ sai trong triển khai thực hiện. Đồng thời, nếu tách ra thì cần phải có những cơ chế, quy định chặt chẽ, tránh tình trạng có những dự án sau khi giải phóng xong thì không được triển khai, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Ngoài ra, Tổng thể thời gian tách thực hiện dự án không được vượt quá tổng thời gian bố trí vốn tại Điều 58. Bởi thực tế hiện nay, trên địa bàn cả nước có nhiều dự án với diện tích lớn, có những nơi ở vị trí đắc địa nhưng đất để hoang nhiều năm không đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung của các ĐBQH nêu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung của các ĐBQH nêu

Làm rõ về việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây, khi triển khai dự án, Bộ chỉ quy định có 2 bước là chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Đến nay, Bộ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Như vậy, công tác giải phóng mặt bằng nằm ở công đoạn chuẩn bị dự án. Việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ quy rõ được trách nhiệm của cá nhân, đơn vị chỉ đạo, thực hiện dự án. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng thuận với những ý kiến đóng góp của các ĐBQH là việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập phải linh hoạt, phù hợp với quy hoạch và phải có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=90744