Quốc hội thông qua Luật Căn cước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), sáng 27-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Căn cước cho thấy, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Căn cước trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Quốc hội ngày 27-11. Ảnh TRỌNG HẢI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Quốc hội ngày 27-11. Ảnh TRỌNG HẢI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.

Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.

Đối với việc cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, khi các thông tin của công dân được lưu trữ, mã hóa trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước có sai sót thì phải cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm thông tin trên thẻ phản ánh chính xác với thực tế và thống nhất với thông tin trong các cơ sở dữ liệu, thông tin trong căn cước điện tử… bảo đảm quyền lợi của người dân khi thực hiện các giao dịch.

Trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước thì công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin. Luật quy định giao Chính phủ “quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước”.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quoc-hoi-thong-qua-luat-can-cuoc-753159