Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường 3 nhóm vấn đề

Sáng nay 4/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh với 3 nhóm vấn đề:

Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia;

Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước;

Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Báo cáo của Bộ TN&MT gửi tới các đại biểu phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước.

Giai đoạn 2011-2022, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế cả nước. GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước.

Thu nhập bình quân của các địa phương ven biển đạt khoảng 97 triệu đồng năm 2022, cao hơn bình quân cả nước.

Kinh tế đảo đã có sự chuyển biến căn bản, góp phần hình thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, các đảo, quần đảo của Việt Nam.

Về hạn hán, xâm nhập mặn, ông Khánh cho biết, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng.

Đáng lưu ý, tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất tại phiên chất vấn là tình trạng ngập úng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận về nguyên nhân gây nên tình trạng này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, do quá trình phát triển đập, ao hồ, thủy điện và đây là một trong những nguyên nhân do quá trình đô thị hóa. Trước đây, chúng ta chưa quy hoạch bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Hiện nay mới chỉ là quy hoạch phát triển đô thị, chủ yếu về hạ tầng, dịch vụ, dân cư mà chưa tính sâu, sát về định hướng lâu dài.

Nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà cũng như do hệ thống thoát nước khi mưa lớn chưa đảm bảo ở nhiều đô thị.

Do đó, việc chống ngập úng ở đô thị thì hệ thống phải đồng bộ, phải có thể tích để chứa, để thoát. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn thời gian tới, có nhiều ao hồ vừa là cảnh quan vừa là nơi tích trữ nước, giữ nước khi mưa lớn, chống tràn, ngập úng ở các đô thị. Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TT,Hồ Chí Minh…

Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Lò Thị Việt Hà về việc dự trữ khoảng sản quan trọng, thiết yếu hiện nay, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu chính là đảm bảo an ninh quốc gia. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645 về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 48 khu vực với 10 loại khoáng sản quan trọng cần dự trữ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Và trong Nghị định 51 về quản lý khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, ngoài quy định đầu tư thực hiện diện tích khu vực dự trữ khoáng sản, còn quy định tiêu chí để khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, với các khoáng sản, chúng ta không thể khai thác hết cùng lúc, mà có những khu vực khoanh vùng để dự trữ, đảm bảo cho sự phát triển dự trữ quốc gia, đảm bảo yêu cầu và việc sử dụng khoáng sản.

Đồng thời nhấn mạnh việc cân đối giữa các dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các khoáng sản chiến lược quan trọng là mục tiêu của chiến lược và đã được Chính phủ ban hành. Và thời gian qua, Bộ TN & MT đã tổ chức thực hiện vấn đề này, khoanh vùng các khu vực dự trữ khoáng sản theo quy định. “Muốn có dự trữ khoáng sản, chúng ta phải điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thiết yếu, quan trọng, tuy nhiên nguồn lực cho vấn đề này còn thiếu. Thủ tướng sẽ quyết định phân kì theo lộ trình, khai thác và chế biến như thế nào, khu vực nào được dự trữ”, Bộ trưởng nêu rõ.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/quoc-hoi-chat-van-bo-truong-bo-tai-nguyen-moi-truong-3-nhom-van-de-434619.html