Quân sự thế giới hôm nay (29-4): Nga triển khai UAV bí ẩn mới tại Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (29-4) có những nội dung sau: Nga triển khai UAV bí ẩn mới tại Ukraine; Ấn Độ mua máy bay phản lực Rafale Marine của Pháp; Philippines trang bị súng máy hạng nặng cho tàu đổ bộ tương lai.

* Nga triển khai UAV bí ẩn mới tại Ukraine

Những ngày gần đây, xuất hiện nhiều báo cáo cho biết, lực lượng Nga đã bắt đầu triển khai một loạt máy bay không người lái (UAV) cảm tử mới, sử dụng động cơ phản lực, có tên gọi "Banderol", tại Ukraine.

Theo chuyên gia truyền thông và tác chiến điện tử Ukraine Serhiy Flash Beskrestnov, Banderol đã được thấy trong các cuộc tấn công vào khu vực Odessa và Mykolaiv. Các đánh giá ban đầu cho thấy, UAV mới này giống UAV Shahed-238.

Mặc dù chi tiết kỹ thuật cụ thể về Banderol vẫn còn chưa rõ, nhưng theo thông tin hiện có, nền tảng này được trang bị động cơ phản lực có thể đạt tốc độ ước tính 400-500 km/giờ. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với các dòng UAV chạy bằng cánh quạt trước đó, điều này có thể gây khó khăn trong việc đánh chặn.

 UAV cảm tử Shahed-238 được cho là mô hình của UAV Banderol mới được Nga triển khai tại Ukraine.

UAV cảm tử Shahed-238 được cho là mô hình của UAV Banderol mới được Nga triển khai tại Ukraine.

Phân tích hình ảnh của Banderol, các chuyên gia cho rằng, UAV này có mô hình khí động học được cải tiến rõ rệt so với các mẫu trước đây, giúp tăng tốc độ và tầm hoạt động.

Thiết kế của Banderol được cho là tích hợp vật liệu hấp thụ sóng radar, khiến UAV này khó bị phát hiện và theo dõi bởi các hệ thống phòng không dẫn đường bằng radar. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Banderol được trang bị hệ thống điều hướng hiện đại, có khả năng chống nhiễu cao, nhờ kết hợp giữa hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và dẫn đường vệ tinh GPS/GLONASS. Điều này giúp tăng độ chính xác khi tấn công, ngay cả trong môi trường bị gây nhiễu điện tử. Ngoài ra, đầu đạn của Banderol có thể lớn và mạnh hơn các loại UAV trước như dòng Geran, giúp nó tấn công hiệu quả hơn vào các mục tiêu kiên cố.

Tuy nhiên, đến nay, phía Nga vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về sự tồn tại của Banderol. Việc triển khai Banderol phù hợp với chiến lược lớn hơn của Nga trong việc nâng cao năng lực UAV.

* Ấn Độ mua máy bay phản lực Rafale Marine của Pháp

Ngày 28-4, thông báo của Dassault Aviation cho biết, Ấn Độ và Pháp đã ký thỏa thuận liên chính phủ, cho phép Ấn Độ mua 26 máy bay phản lực Rafale Marine cho Hải quân nước này.

Thỏa thuận có trị giá khoảng 7,6 tỷ USD, bao gồm việc cung cấp 22 máy bay chiến đấu Rafale Marine phiên bản một chỗ ngồi, 4 máy bay huấn luyện Rafale B hai chỗ ngồi, cũng như các gói vũ khí, hỗ trợ hậu cần theo hiệu suất (PBL), bảo trì, mô phỏng huấn luyện, thiết bị phụ trợ, đào tạo nhân sự...

Việc giao hàng Rafale Marine dự kiến bắt đầu vào khoảng tháng 5-2028, khoảng 37 tháng sau khi ký hợp đồng, thời gian hoàn thành dự kiến trong giai đoạn 2029-2031. Ảnh: Hải quân Pháp

Việc giao hàng Rafale Marine dự kiến bắt đầu vào khoảng tháng 5-2028, khoảng 37 tháng sau khi ký hợp đồng, thời gian hoàn thành dự kiến trong giai đoạn 2029-2031. Ảnh: Hải quân Pháp

Việc bàn giao Rafale Marine dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 5-2028 và hoàn tất trong giai đoạn 2029-2031.

Trong thời gian chờ giao hàng, các máy bay Rafale M của Hải quân Pháp dự kiến sẽ được sử dụng tạm thời để đào tạo phi công Hải quân Ấn Độ. Gói trang bị đi kèm bao gồm tên lửa không đối không tầm xa Meteor, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách trên 150km, và tên lửa chống hạm Exocet AM39 Block 2 Mod 2, được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công trên biển.

Ngoài ra, Dassault Aviation cũng đang xem xét việc xây dựng dây chuyền lắp ráp cuối cùng tại Ấn Độ, để đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng, phù hợp với mục tiêu tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.

Rafale Marine dựa trên máy bay chiến đấu Rafale do Dassault Aviation chế tạo. Máy bay được thiết kế với khung thân gia cường, móc hãm và bánh đáp chuyên dụng, được điều chỉnh cho hoạt động trên tàu sân bay. Nó được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2 để theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc và bộ tác chiến điện tử SPECTRA, cung cấp khả năng cảnh báo radar, gây nhiễu điện tử và chống hồng ngoại.

Việc Hải quân Ấn Độ mua Rafale Marine được coi là giải pháp tạm thời để đáp ứng các yêu cầu tác chiến, trong khi nước này đang phát triển tiêm kích nội địa hai động cơ (TEDBF) hoạt động trên tàu sân bay, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2031. Đây cũng là một bước quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân của Ấn Độ, không chỉ thay thế phi đội MiG-29K, mà còn là một phần trong kế hoạch lâu dài của lực lượng hải quân nước này nhằm nâng cao khả năng chiến đấu trên biển và bảo vệ lợi ích quốc gia trong khu vực.

* Philippines trang bị súng máy hạng nặng cho tàu đổ bộ trong tương lai

Hải quân Philippines mới đây đã ký hợp đồng với Sarsilmaz Silah Sanayi A.S., một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, để cung cấp tối đa 16 súng máy hạng nặng SAR 127 MT 0,50 cho hai tàu vận tải đổ bộ LPD đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu PT PAL Indonesia.

 Các tàu vận tải đổ bộ LPD trong tương lai có thể chứa 1 trực thăng 10 tấn trong khoang chứa và 2 trực thăng 10 tấn trên boong. Ảnh: Twitter/Max Montero

Các tàu vận tải đổ bộ LPD trong tương lai có thể chứa 1 trực thăng 10 tấn trong khoang chứa và 2 trực thăng 10 tấn trên boong. Ảnh: Twitter/Max Montero

Các tàu LPD này là một phần trong dự án mua sắm tàu đổ bộ, thuộc kế hoạch hiện đại hóa Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) giai đoạn Horizon 2. Tàu dự kiến sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2026-2027. Việc trang bị súng máy hạng nặng SAR 127 MT trên các tàu đổ bộ này sẽ tăng cường khả năng bảo vệ, hỗ trợ hỏa lực cho các nhiệm vụ tác chiến, hậu cần và cứu trợ của Hải quân Philippines trong tương lai.

Súng máy SAR 127 MT sử dụng đạn 12.7×99mm NATO. Súng có tốc độ bắn 500-600 phát/phút, với sơ tốc đầu đạn 900m/s và tầm bắn tối đa lên đến 6,800m. SAR 127 MT có trọng lượng khoảng 38kg (không tính băng đạn), được trang bị nòng có thể thay thế nhanh với lớp vỏ bọc stellite, tương thích với các loại kính ngắm phòng không.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-4-nga-trien-khai-uav-bi-an-moi-tai-ukraine-826271