'Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa…'

Những ngày vừa qua, trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát 'Qua miền Tây Bắc' của nhạc sĩ Nguyễn Thành lại được nhiều người nhắc đến.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành thời trẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành thời trẻ.

Và ở nhiều nơi, giai điệu ca khúc lại vang lên: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua”…

Tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Nguyễn Thành vào tháng 8/2002, tại ngõ Thanh Lương 2, Hà Nội. Khi đó, ở tuổi 70, dù đang phải điều trị bệnh gan, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thành vẫn rất hào hứng kể cho tôi nghe về sự ra đời hết sức đặc biệt của bài hát “Qua miền Tây Bắc”.

Đó là một đêm mưa năm 1952, trên đường hành quân trong chiến dịch Tây Bắc. Mưa mỗi lúc một to, đoàn quân phải căng lán tạm trú trên đỉnh đèo Khau Vạc cao hơn 2.000m, sau khi đã vượt qua bến Ô Lâu để tiến vào Tây Bắc. Nhạc sĩ Nguyễn Thành khi ấy là một chiến sĩ trẻ, mới 21 tuổi, thuộc đoàn văn công 308.

Đêm ấy rất lạnh, Nguyễn Thành không sao chợp mắt được. Anh thanh niên Hà Nội chui ra khỏi lán, nhóm lửa ngồi sưởi. Nhìn những đốm lửa bập bùng trong rừng hoang đêm lạnh, Nguyễn Thành nhớ lại trên đường hành quân mình đã chứng kiến đồn bốt giặc ở khắp nơi, những hàng rào dây thép gai bao bọc, nhân dân đói khổ, đất nước bị kẻ thù chiếm đóng, lòng căm thù ngùn ngụt khiến anh nóng người lên giữa đêm lạnh, và thoáng hình ảnh đoàn binh Tây Tiến trong thơ Quang Dũng, những nét nhạc đầu tiên đã hiện ra trong đầu.

Rồi rất nhanh, bài hát như một mạch nguồn chảy ào ra và Nguyễn Thành chỉ kịp ghi lại trên mảnh giấy nhỏ.

Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thành khi đó, tôi có hỏi: “Lúc viết xong bài hát ở trên đèo Khau Vát ông đã đặt tên là gì”?

Nhạc sĩ Nguyễn Thành cho biết, lúc ấy ông đặt tên bài hát là “Tiến quân vào Tây Bắc”, với cái ý thể hiện được khí thế của quân ta. Sau đó, tôi nhớ mình đã sửa còn “Vào Tây Bắc”. Nhưng đến khi anh em đồng đội, chiến sĩ hát đã sửa lại thành “Qua miền Tây Bắc” - đó là 4 chữ đầu tiên của bài hát. Và ông thấy hay quá, đúng quá: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua...”

Bài hát ra đời khi giặc Pháp đang cố giành ưu thế trên mặt trận Điện Biên Phủ nhưng những vũ khí tối tân của cũng không thể đánh gục được ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam ta. Cùng nhịp hát kéo pháo “dô ta”, cùng tiếng gọi hành quân lên đường, tinh thần của “Qua miền Tây Bắc” có sức động viên thôi thúc rất lớn.

Các chiến sĩ hát cho mình, đồng đội cùng hát cho nhau nghe, các đoàn văn công biểu diễn phục vụ, đâu đâu tiếng hát cũng “vút ngàn trùng xa” nuôi bước chân anh giải phóng quân, vượt qua những tháng ngày gian khổ “mưa dầm, cơm vắt”, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Thành còn cho biết thêm: “Hồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tôi vô cùng cảm động mỗi khi thấy bài hát của mình sáng tác đã đi vào cuộc sống cảu đồng đội. Tôi cũng có dịp may mắn cùng các đồng chí trong tổ nhạc của sư đoàn đã hát “Qua miền Tây Bắc” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe ở Sở Chỉ huy chiến dịch”.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông về học khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Thành làm Trưởng đoàn Văn công Trường Sơn 559. Những tác phẩm chính của ông: “Qua miền Tây Bắc”, “Cảm xúc tháng Mười Hà Nội”, “Tôi không muốn lòng súng bốc khói”, “Nhớ một thời Tây Tiến”…

Nhạc sĩ Nguyễn Thành tên thật là Nguyễn Văn Thành (1931-2002); quê gốc Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam. Ông có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ và được sống trong môi trường âm nhạc (bố ông là một nhạc công kèn đồng). Đang học Trung học ở Hà Nội, theo tiếng gọi của kháng chiến, Nguyễn Thành theo vào Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn 308 quân tiên phong, có lúc làm Tổ trưởng Tổ văn công Sư đoàn 308.

THƯ HOÀNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/qua-mien-tay-bac-nui-vut-ngan-trung-xa-10279595.html