Pomina: Tận dụng cổ phiếu tăng nóng, người thân Chủ tịch liên tục muốn bán ra
Người thân Chủ tịch Đỗ Duy Thái liên tục bán ra và đăng ký bán ra để giảm sở hữu tại Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM – sàn HoSE).
Cụ thể, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina đăng ký bán ra 2,3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 3,64%, xuống còn 2,82% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 17/8 đến ngày 5/9.
Thêm nữa, một người em gái khác của Chủ tịch Đỗ Duy Thái là bà Do Nhung (Quốc tịch Mỹ) cũng đăng ký thoái toàn bộ 7.283.927 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,6%, xuống còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 7/8 đến 5/9.
Trước đó, ngày 7/8, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em ông Đỗ Duy Thái đã bán ra 3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,9%, xuống còn 1,83% vốn điều lệ.
Bối cảnh người thân của Chủ tịch liên tục bán ra và đăng ký bán ra, cổ phiếu POM đã trải qua nhịp hồi phục mạnh. Trong đó, thống kê từ ngày 10/5 đến ngày 14/8, cổ phiếu POM đã tăng 71,3%, từ 4.560 đồng lên 7.810 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, tận dụng cổ phiếu tăng nóng, người thân của Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã liên tục bán ra và đăng ký bán ra cổ phiếu POM để giảm sở hữu.
Lỗ 537,02 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 799,36 tỷ đồng, giảm 78,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 350,19 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 62,25 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 287,94 tỷ đồng.
Trong đó, đáng lưu ý, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 35,22 tỷ đồng trong quý II.
Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.444,48 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 537,02 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,11 tỷ đồng, tức giảm 545,13 tỷ đồng.
Với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ lũy kế lên tới 789,26 tỷ đồng, bằng 28,2% vốn điều lệ.
Chuyển kế hoạch từ lãi sang lỗ sau hơn nửa đầu năm 2023
Một diễn biến đáng lưu ý khác, trong Báo cáo thường niên đầu năm 2023, Thép Pomina đưa ra kế hoạch năm 2023 với doanh thu 14.000 tỷ đồng, tăng 7,55% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 300 tỷ đồng với việc ghi nhận lỗ 1.079,9 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong đó, trọng tâm kế hoạch kinh doanh là phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn chủ sở hữu, lành mạnh hóa trạng thái tài chính và bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao.
Được biết, trước đó, vào quý III/2022, Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí. Phía Pomina cho biết, với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm hoạt động trong niên độ tài chính 2023, ngày 14/7/2023, Pomina bất ngờ điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 14.000 tỷ đồng về 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận từ lãi 300 tỷ đồng sang lỗ 150 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT chia sẻ việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để thể hiện sự thận trọng của Hội đồng quản trị trong bối cảnh thị trường thực tế còn khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố chính thôi thúc Công ty điều chỉnh kế hoạch là niềm tin ngành bất động sản sẽ chưa tốt lên trong năm nay.
“Từ giờ đến cuối năm, bất động sản có thể vẫn bất động, dù Chính phủ đã cố gắng dùng mọi biện pháp, như giải quyết thủ tục cho từng công trình một, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản. Chính phủ đã cố gắng hết sức, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian. Các chuyên gia cho rằng năm sau bất động sản sẽ ấm trở lại, nhưng với tôi phải đến tháng 6/2024 thì mới bắt đầu tốt trở lại”, ông Đỗ Duy Thái nhấn mạnh.
Việc người đứng đầu Pomina chia sẻ không phải không có cơ sở, khi trong 6 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina đã ghi nhận lỗ 537,02 tỷ đồng.
Được biết, giá thép thế giới sau khi hồi phục từ cuối năm 2022 đến giữa tháng 3/2023, bắt đầu xu hướng giảm trở lại từ giữa tháng 3/2023 tới thời điểm hiện tại và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu có thể bật tăng trở lại.
Ảnh hưởng của giá thép thế giới lao dốc, trong những ngày gần đây, giá thép trong nước đã điều chỉnh giảm 15 lần liên tiếp từ đầu năm và chưa có dấu hiệu chạm đáy. Trong đó, theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ 2022. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%.
Có thể thấy, bức tranh 6 tháng đầu năm 2023, giá thép có hồi phục trong gần 3 tháng đầu năm nhưng nhanh chóng giảm trở lại, mặc dù giá thép giảm sâu nhưng nhu cầu thép vẫn duy trì ở mức yếu và dự kiến còn nhiều khó khăn hơn khi ngành xây dựng chuẩn bị bước vào mùa thấp điểm, mùa mưa ở miền Bắc thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 và tại miền Nam, mùa mưa thường kéo dài từ đầu tháng 5 đến hết tháng 11.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/8, cổ phiếu POM tăng 90 đồng lên 7.810 đồng/cổ phiếu.