Phương Tây sắp hoàn tất việc sơ tán khỏi Afghanistan, Anh dọa sẽ trừng phạt Taliban
Quân đội Mỹ bắt đầu rút quân khỏi sân bay Kabul, Afghanistan – điều này đồng nghĩa việc sơ tán công dân và người Afghanistan tị nạn của các nước phương Tây sắp hoàn tất trước hạn chót 31/8. Nguy cơ khủng bố tại sân bay Kabul vẫn được đánh giá ở mức độ rất cao.
Đêm qua (28/8), Anh đã có chuyến bay cuối cùng rời Kabul, mang toàn bộ lực lượng vũ trang Anh về nước, kết thúc 2 tuần sơ tán gấp rút với 165 chuyến bay được nước này thực hiện, mang theo hơn 15.000 người Anh và công dân Afghanistan tị nạn. Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Anh, vẫn còn hàng trăm người Afghanistan có thị thực Anh không thể đưa đi.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, Đại tướng Nick Carter cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm một công việc phi thường để sơ tán nhiều người nhất có thể. Nhưng cũng thật đau lòng, chúng tôi không thể đưa tất cả mọi người muốn rời đi. Cá nhân tôi đã nhận được hơn 100 tin nhắn từ những người Afghanistan – những người có quan hệ lâu dài với nước Anh, là bạn của nước Anh nhưng không thể rời đi”.
Trước Anh, nhiều nước cũng đã hoàn tất những chuyến bay sơ tán cuối cùng như Pháp, Đức, Bỉ, Canada, Na Uy,… Hôm qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cũng xác nhận, Mỹ đã bắt đầu đưa binh sĩ tại sân bay Kabul về nước – đây là lực lượng chính điều hành mọi hoạt động sơ tán thời gian qua. Điều này đồng nghĩa, việc sơ tán sắp hoàn tất.
Tuy nhiên, mọi dữ liệu về việc Mỹ rút những binh sĩ cuối cùng đã được giữ kín, do những lo ngại về an ninh. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là thời điểm nguy cơ cao IS sẽ lại tiến hành tấn công khủng bố, nhất là khi Mỹ vừa mới tấn công tổ chức này bằng máy bay không người lái, để đáp trả vụ tấn công khủng bố ở sân bay Kabul hôm 26/8. Tổng thống Mỹ khẳng định, tình hình hiện tại đang rất nguy hiểm, trong vòng 24 hoặc 36 giờ tới, buộc lực lượng Mỹ phải cảnh giác cao độ. Đại sứ quán Mỹ tại Kabul hôm qua (28/8) đã phát đi cảnh báo, mọi công dân gần khu vực sân bay, tại các cổng sân bay Hamid Kazai phải rời đi ngay lập tức, do có những mối nguy hiểm rõ ràng.
Giữa lúc Mỹ hoàn tất những khâu sơ tán cuối cùng, Taliban lên kế hoạch công bố chính phủ mới, dự kiến diễn ra trong vài ngày tới. Theo người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid, lực lượng này đã bổ nhiệm lãnh đạo các vị trí quan trọng chính quyền tương lai, để sớm giải quyết các thách thức của đất nước. Về việc phụ nữ có hay không tham gia vào nội các, ông khẳng định, điều này sẽ phụ thuộc vào quyết định của Ban lãnh đạo.
Hiện Afghanistan đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý là đồng tiền Afghanistan mất giá. Taliban đã phải tạm dừng mọi hoạt động ngân hàng khiến nhiều người dân lo lắng.
Một người dân nói: “Phải nói rằng, chúng tôi rất biết ơn khi tình hình an ninh đã được cung cấp đầy đủ, nhưng mọi người nên biết rằng, hậu quả của các vấn đề tài chính còn nguy hiểm hơn vấn đề an ninh. Nếu ngân hàng tiếp tục đóng cửa, nhân viên công không nhận được lương, các doanh nhân không rút được tiền để giao dịch. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp.”
Tuy nhiên, Taliban khẳng định, đồng tiền Afghanistan mất giá so với ngoại tệ chỉ là tình hình trước mắt. Mọi thứ sẽ được ổn định trở lại khi có chính phủ mới.
Dù chỉ trích Mỹ đã tấn công IS hôm 27/8 khi chưa được sự đồng ý của Taliban, song lực lượng này vẫn kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây duy trì sự hiện diện ngoại giao sau khi Afghanistan có chính phủ mới. Hiện nhiều cuộc đàm phán giữa Taliban và các nước phương Tây vẫn đang diễn ra tại Qatar; các nước phương Tây đang rất quan tâm đến việc được sơ tán những người mắc kẹt sau thời hạn chót, đang chờ xem hành động tiếp theo của Taliban để đưa ra sự công nhận.
Trong khi đó, Anh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Taliban nếu họ cản trở những người Afghanistan không muốn sống dưới chính quyền Taliban rời khỏi đất nước sau ngày 31/8 - đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đưa ra hôm qua (28/8).
Theo ông Dominic Raab, Anh có quyền áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Taliban cả đơn phương và trong khuôn khổ các cơ chế của Liên Hợp Quốc, nếu Taliban không cho phép những người Afghanistan rời khỏi đất nước. Ngoại trưởng Dominic Raab nhấn mạnh, Anh sẵn sàng hợp tác với các nước trên thế giới về vấn đề này.
Hôm qua (28/8), Anh cũng đã tuyên bố hoàn tất việc sơ tán công dân Anh và nhiều người Afghanistan cộng tác với họ rời khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thừa nhận rằng, Anh chưa thể đưa ra khỏi Afghanistan tất cả những người họ muốn. Theo ông Ben Wallace, khoảng 1.100 người Afghanistan đã cộng tác với Anh trong 20 năm qua vẫn tạm thời ở lại Afghanistan.
Ngoài ra, Pháp và Anh sẽ trình dự thảo nghị quyết về việc thành lập một khu vực an ninh do Liên Hợp Quốc kiểm soát ở Kabul, Afghanistan tại cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày mai (30/8), theo tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hôm qua (28/8).
Theo ông Macron, dự thảo nghị quyết xác định ranh giới của một khu vực an toàn do Liên Hợp Quốc kiểm soát ở Kabul, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo tiếp tục diễn ra. Khu vực này là cần thiết, để những người Afghanistan không có thời gian rời đi trên các chuyến bay sơ tán có thể ẩn náu trong đó. Đây cũng là cách để cộng đồng quốc tế duy trì áp lực đối với Taliban, trong việc hành xử đối với những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước này.
Tổng thống Macron khẳng định: Còn rất nhiều người Afghanistan mà Pháp và các nước cần bảo vệ vẫn còn ở lại Afghanistan. Đó là các thẩm phán, nghệ sĩ, trí thức, phụ nữ và những người cần được “giúp đỡ để tránh nguy cơ bị đàn áp”./.