Phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội: 'Chậm ngày nào sốt ruột ngày đó'

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói như vậy khi chủ trì họp với các bộ, ngành để góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sáng 25/1.

Theo Phó Thủ tướng, đây nghị quyết rất quan trọng của Chính phủ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Chương trình được thực hiện trong vòng 2 năm, số vốn đầu tư rất lớn, gần 350.000 tỷ đồng. Do đó "để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó".

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh, tinh thần là triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành chưa có ý kiến góp ý bằng văn bản thì trong ngày hôm nay phải gửi văn bản góp ý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua để chương trình sớm được triển khai thực hiện.

"Tinh thần là chương trình quan trọng này phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết của Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cơ bản thống nhất với dự thảo, cho rằng dự thảo đã bám sát chỉ đạo của Đảng và các nội dung đã nêu trong Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Liên quan đến các chương trình Ngân hàng Chính sách xã hội được giao, Phó Tổng Giám đốc Bùi Quang Vinh cho biết, đối với 3 chương trình cho vay mới là: cho vay để mua máy tính cho sinh viên, cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và cho vay để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo Nghị quyết 88/2019/QH14, ngân hàng đã có đề nghị các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để có hướng triển khai. Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn dự thảo hướng dẫn cho vay, phát hành kịp thời ngay sau khi có các nghị quyết, quyết định này.

Về hỗ trợ 2%/năm với các chương trình tín dụng lãi suất trên 6%/năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất chủ yếu hỗ trợ với các món vay phát sinh trong năm 2022 – 2023, tổng lãi suất hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng (mỗi năm 1.500 tỷ đồng), khi có quy định, sẽ sớm hoàn thiện cho vay kịp thời.

Về nguồn lực, Phó Tổng Giám đốc Bùi Quang Vinh đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án về phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội, do toàn bộ nguồn lực thực hiện chương trình là huy động từ trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cham-ngay-nao-sot-ruot-ngay-do-post1412311.tpo