Phú Yên chủ động chống hạn, mặn

Nắng nóng kéo dài, nhiều hồ chứa ở tỉnh Phú Yên có mực nước thấp hơn các năm trước, một số diện tích nông nghiệp nguy cơ thiếu nước tưới. Tỉnh Phú Yên chủ động chuyển đổi cây trồng và triển khai các biện pháp chống hạn mặn.

Những ngày này, trên các cánh đồng ở tỉnh Phú Yên, người dân đang khẩn trương thu hoạch vụ Đông Xuân để chuẩn bị sản xuất vụ Hè Thu. Gia đình bà Nguyễn Thị Thông, trú thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa làm 2 sào ruộng, vụ Hè Thu tới để chống hạn, gia đình bà chủ động thay đổi giống lúa ngắn ngày.

Hồ chứa nước Mỹ Lâm, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hồ chứa nước Mỹ Lâm, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

Bà Nguyễn Thị Thông cho biết: "Về mùa hè trời nắng rất gay gắt làm ảnh hướng đến việc trồng lúa hè thu này. Cho nên gia đình tôi phải có biện pháp khai thống cống rãnh gần ruộng, đào thêm giếng gần ruộng để mà phục vụ trong mùa lúa hè thu tốt hơn. Người dân cũng mong Nhà nước khơi thông các con kênh dẫn nước lớn để có nguồn nước đảm bảo tưới cho cây lúa tốt hơn".

Cuối năm 2023, tỉnh Phú Yên đưa hồ chứa nước Mỹ Lâm, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa vào sử dụng. Diện tích lưu vực hồ 66,2 km2. Hồ chứa nước Mỹ Lâm có nhiệm vụ tưới cho hơn 2.500 hécta đất canh tác, cấp nước cho 800 hécta nuôi trồng thủy sản; kết hợp giảm lũ, cải tạo môi trường sinh thái. Năm nay cũng là năm đầu tiên xã Hòa Thịnh sản xuất được lúa Hè Thu trên diện tích mà những năm trước không sản xuất do khô hạn.

Hệ thống kênh mương ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hệ thống kênh mương ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ông Lê Thành Văn, Trạm trưởng Trạm Thủy nông Mỹ Lâm, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cho hay: “Sau khi đưa hồ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bà con nhân dân rất phấn khởi. Năng suất năm nay rất cao, nước ổn định liên tục. Vụ Hè Thu này mà nước suối không còn thì đối với dung tích hồ này cũng đảm bảo sản xuất nông nghiệp của vụ. Nếu trường hợp hạn xảy ra cục bộ, nắng nóng kéo dài, lượng nước đưa không kịp đến cuối chân ruộng ở những khu vực xa thì Trạm cũng lập các phương án chống hạn, đưa 2 trạm bơm vào hoạt động”.

Năm 2024, Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam ký hợp đồng cung cấp nước tưới, tiêu cho hơn 39.155 hécta sản xuất nông nghiệp thuộc các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân; thị xã Đông Hòa; thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa. Hiện tại, Công ty quản lý 8 hồ chứa. Các hồ chứa này còn khoảng 50% dung tích đảm bảo tưới vụ Hè Thu năm nay.

Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy Nông Đồng Cam cho rằng, năm nay nắng nóng kéo dài, dòng chảy trên các sông suối ở tỉnh Phú Yên thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Vụ Hè Thu năm nay, nguồn nước tưới dự kiến khó khăn, nhất là vùng có công trình thủy lợi nhỏ, vùng cao xa khu vực tưới. Công ty đã xây dựng các phương án chống hạn, phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi cây trồng sử dụng ít nước thay cho cây lúa.

Người dân xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên thay đổi cây trồng để chống hạn

Người dân xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên thay đổi cây trồng để chống hạn

Ông Nhành cho biết: “Chúng tôi kiểm tra, đánh giá thực tế nguồn nước ở đầu mối công ty đang quản lý và các nguồn nước từ sông, suối, ao, hồ, nước ngầm để có kế hoạch giữ nước, trữ nước. Thực hiện tốt việc quản lý, phân phối, điều tiết hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm tra hiện trạng từng hệ thống thủy nông, tiến hành sửa chữa công trình. Tu bổ vét kênh mương các cấp, các công trình đầu kênh đảm bảo thông suốt nguồn nước trên toàn hệ thống không để sự cố xảy ra”.

Vụ Hè Thu 2024, dự báo có gần 27 ngàn hécta sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Phú Yên bị thiếu nước tưới do nắng hạn. Trong đó, cây sắn có diện tích bị thiếu nước tưới nhiều nhất, hơn 14.600 hécta, tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi là Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân; gần 2 ngàn hécta lúa và hơn 10 ngàn hécta diện tích trồng mía cũng bị thiếu nước tưới. Cùng với khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên thực hiện mạnh chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang một số cây ngắn ngày, chịu được khô hạn. Ở những vùng không có khả năng tưới kiên quyết dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn.

UBND tỉnh Phú Yên cầu yêu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương về kế hoạch vận hành, điều tiết nước các hồ chứa thủy điện thuộc lưu vực sông Ba tỉnh Phú Yên để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng hạ du, khi có hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra.

Ông Phạm Chí Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Yên cho biết: “Đối với lưu vực lớn của tỉnh là lưu vực sông Ba, trên lưu vực này có ba nhà máy thủy điện gồm Thủy điện Krông H'năng, sông Ba Hạ, Sông Hinh. Ba nhà máy này điều tiết theo quy trình điều tiết của Chính phủ. Trong đó chúng tôi sẽ ưu tiên trước cho nước sinh hoạt, nước sản xuất rồi mới tới nhu cầu kinh doanh. Các khu vực khác có hồ thủy lợi, hệ thống đập dâng, tuy nhiên trong trường hợp khô hạn phải sử dụng các trạm bơm dã chiến”.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-yen-chu-dong-chong-han-man-post1092182.vov