Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang: Nhân lên sức mạnh nội lực

Với các phong trào thi đua được phát động rộng khắp, đến nay, tỉnh Hà Giang đã có thêm nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; nhiều gương người tốt, việc tốt với cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng. Đặc biệt, từ các phong trào thi đua, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc.

Thi đua thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Hà Giang là địa phương vùng cao nổi tiếng với “đặc sản” là những cung đường đèo dốc hiểm trở; những nương đồi đá tai mèo trập trùng; những ngày tháng khô hạn vì thiếu nước… Trước những trở ngại này, để nông nghiệp trở thành sinh kế ổn định của các hộ nông dân, 5 năm trở lại đây, Hà Giang đã phát động nhiều phong trào thi đua trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào như: “Xen canh, thâm canh tăng hiệu quả sử dụng đất”, “Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi”, “Cánh đồng kiểu mẫu gắn với cơ giới hóa”, “Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, “Trồng và phát triển cây vụ Đông”, “Dồn điền, đổi thửa”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”...

Các cá nhân điển hình tiêu biểu nhận Bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang

Nhờ các phong trào thi đua được phát động và triển khai đến nhiều xã, thôn, bản... đến nay, Hà Giang đã có 6 mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến. Từ những nương đồi chuyên trồng cam và chè bao đời, nay Hà Giang đã xây dựng được phần mềm quản lý mới đối với 741,2 héc-ta cam VietGAP và 2.172,4 héc-ta chè hữu cơ; lựa chọn được 201 sản phẩm để tổ chức thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 3 sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh đạt giải cao tại cuộc thi Quốc tế.

Song song với trồng trọt, phong trào chăn nuôi và công tác thú y cũng được các địa phương ở Hà Giang quan tâm thường xuyên. Không chỉ triển khai chương trình, đề án “Phát triển nửa triệu con đại gia súc”, các xã, huyện của Hà Giang còn áp dụng rộng rãi các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo hướng quy mô gia trại, trang trại, kết hợp đẩy mạnh thực hiện cải tạo chất lượng, tầm vóc đàn gia súc. Với những cố gắng này, đến năm 2020, chăn nuôi, thủy sản từng bước trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của Hà Giang. Không những thế, Hà Giang còn trở thành địa chỉ hiếm hoi duy trì, bảo tồn và phát triển được các nguồn gen quý, cung cấp cây, con giống cho thị trường như: Giống bò vàng, lợn đen Lũng Pù, Cá Bỗng, Cam sành, Lê, lúa Japonica...

Với Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, mặc dù Hà Giang mới phát động năm 2019, nhưng đã được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ; đưa tổng diện tích rừng được trồng ước thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Giang lên 38.098 héc-ta, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 58%.

Những nông dân không ngại khó

Đáng ghi nhận hơn cả là các phong trào thi đua đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều địa phương của Hà Giang. Từng tạo bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng năng suất, sản lượng cây trồng tăng khá so với các năm trước, đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương còn nhiều khó khăn như Hà Giang.

Thông tin từ Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh Hà Giang lần thứ V cho thấy, từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình như: Ông Sùng Diu Sì (thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang); bà Lý Thị Sổi (thôn Xóm Mới, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn); ông Giàng A Thào (thôn Lùng Thóa, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê); ông Triệu Chàn Ton (thôn Trung Thành, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì)... Cùng với đó là các mô hình khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ như: Mô hình nuôi cá thương phẩm, nuôi ốc của ông Nguyễn Văn Tiên (Bí thư Chi đoàn thôn Sửu, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên); nhóm sở thích nuôi lợn nái rừng Thái Lan kết hợp với chăn nuôi giun quế do của anh Phùng Văn Giai (thôn Bản Đông, xã Linh Hồ); dự án gà đen H’Mông Hùng Sinh và dự án Nhà máy sơ chế và chế biến cây dược liệu của thanh niên huyện Quản Bạ…

Các ông, bà, cô, bác và các bạn trẻ khởi nghiệp này chính là đại diện tiêu biểu cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; làm giàu cho mình, cho gia đình, cho quê hương và giúp người khác cùng vươn lên làm giàu.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-ha-giang-nhan-len-suc-manh-noi-luc-145491.html