Phòng, chống ma túy: Chỉ tiêu cụ thể, nguồn lực hợp lý
Đóng góp ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các chỉ tiêu đặt ra cần cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nguồn lực hợp lý và có cơ chế đánh giá hiệu quả thường xuyên.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã đề ra nhiều chỉ tiêu cao, khó thực hiện như: 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ ma túy được phát hiện, triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy hằng năm dưới 1%; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế, tâm lý… trong khi nguồn lực thực hiện còn hạn chế.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, các cơ quan chủ trì các dự án thành phần và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát thêm các chỉ tiêu để có số lượng phù hợp, tính khả thi, có số liệu tương ứng của các chỉ tiêu vào thời điểm xây dựng Chương trình làm căn cứ đề xuất chỉ tiêu, cũng như để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Cần rà soát, làm rõ cơ sở xác định các chỉ tiêu đạt 100% của Chương trình đạt được vào năm 2030 để bảo đảm tính khả thi của mục tiêu Chương trình; rà soát một số lĩnh vực trong công tác phòng, chống ma túy chưa được đề xuất chỉ tiêu nhưng rất cần có giải pháp thực hiện đạt hiệu quả như: quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy; giảm tỷ lệ người tái nghiện ma túy sau cai nghiện…
Thêm vào đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục rà soát, quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, đúng tính chất mục tiêu, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể. Bảo đảm sự gắn kết logic giữa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu của các dự án thành phần; giữa mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, nội dung, hoạt động trong dự án thành phần bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có tính khả thi, hiệu quả, không trùng lặp.
Tại phiên thảo luận, đưa ra ý kiến đóng góp về cách thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu cho chương trình, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần có một cuộc rà soát toàn diện đối với hệ thống các chỉ tiêu của Chương trình. Việc đặt ra các chỉ tiêu cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn. Cụ thể, đối với những địa bàn đã đạt được các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chúng ta cần đặt ra các chỉ tiêu liên quan đến phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy ở mức cao hơn so với các địa bàn khác.
Theo đại biểu, việc đầu tư nguồn lực lớn vào các địa bàn này trong thời gian qua đòi hỏi chúng ta phải có những yêu cầu cao hơn về việc đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng môi trường sống lành mạnh. Ngược lại, đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội, cũng cần có những chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm và khó khăn của từng địa bàn. Việc phân hóa các chỉ tiêu theo từng loại hình địa bàn sẽ giúp tăng tính khả thi và hiệu quả của Chương trình, đồng thời tạo động lực thúc đẩy các địa phương nỗ lực hơn trong công tác phòng, chống ma túy.
Đóng góp ý kiến về các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, việc kiềm chế tỷ lệ tăng người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, việc đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi. Đại biểu cho rằng Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện Chương trình, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp. Việc xây dựng các dự án thành phần cần dựa trên cơ sở số liệu thực tế và có đánh giá tác động rõ ràng.
Đánh giá cao nhóm chỉ tiêu liên quan đến cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, đại biểu cho biết, việc triển khai thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương. Việc quản lý và đánh giá hiệu quả của hình thức cai nghiện này chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các chỉ tiêu liên quan đến cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, đồng thời có những giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn hiện đang tồn tại. Việc đánh giá hiệu quả của các chương trình cai nghiện cần được thực hiện một cách thường xuyên và khách quan. Về việc đặt ra mục tiêu triệt phá 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy và giảm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma túy, đại biểu nêu rõ cần có sự đầu tư nguồn lực lớn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, cùng bàn về mục tiêu này, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị xem xét kỹ hơn về tính khả thi khi hoạt động của các đối tượng liên quan đến ma túy ngày càng tinh vi và đa dạng. Nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ 100% là rất thách thức, đại biểu cho rằng, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Về mục tiêu nâng cao tỷ lệ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy được trang bị công nghệ hiện đại, đại biểu đánh giá cao tính cấp thiết và sự cần thiết của chỉ tiêu này. Việc ứng dụng công nghệ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, cần có sự đầu tư nguồn lực tài chính hợp lý và xây dựng lộ trình triển khai cụ thể.
Về mục tiêu kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% mỗi năm, đại biểu đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng và cần được xem xét kỹ lưỡng. Việc kiểm soát tỷ lệ người nghiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ liên quan đến công tác cai nghiện mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đặt ra một chỉ tiêu cụ thể như vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi. Về mục tiêu trang bị đầy đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện cho các trạm y tế cấp xã và cơ sở cai nghiện công lập, đại biểu lưu ý, cần có sự đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Với mục tiêu đảm bảo điều kiện vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện công lập, đại biểu cho rằng đây là một yêu cầu chính đáng để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tuy nhiên, cần có đánh giá kỹ lưỡng về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với mục tiêu tăng số vụ phát hiện và bắt giữ tội phạm ma túy tại các khu vực trọng điểm như biên giới, đường biển, đường hàng không. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, việc nâng cao năng lực chuyên môn, trang bị công nghệ hiện đại và xây dựng chiến lược hiệu quả cho các lực lượng chức năng là điều vô cùng quan trọng.
Đưa ra góc nhìn khác về chỉ tiêu này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc gia tăng số lượng các vụ bắt giữ, phát hiện không hoàn toàn đồng nghĩa với việc giảm được tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. Bàn về mục tiêu triệt phá 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy, đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu này đặt ra một yêu cầu rất cao. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào việc triệt phá chưa đủ mà cần có các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng trồng trọt trái phép tái diễn. Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi nguồn lực lớn, đặc biệt là đối với các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tham gia ý kiến về các chỉ tiêu liên quan đến công tác cai nghiện, đại biểu cho rằng, các chỉ tiêu về việc trang bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực cho các cơ sở cai nghiện là hoàn toàn hợp lý. Để đạt được các mục tiêu này, cần có sự đầu tư lâu dài và bền vững. Hiện nay, nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng khó khăn, còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhân lực, điều này đe dọa đến khả năng thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra. Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc điều chỉnh một số chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chương trình. Các chỉ tiêu cần được đặt ra một cách cụ thể, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và có cơ chế đánh giá hiệu quả thường xuyên.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=90930