Phòng, chống bệnh dịch tả trên đàn vịt

Thời điểm hiện tại, đang trong giai đoạn mùa mưa, thời tiết diễn biến thất thường nên đàn vịt nuôi rất dễ gặp các loại dịch bệnh, trong đó bệnh dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm trên vịt, đây là dịch bệnh có tỷ lệ mắc cao và chết cao lên tới 70 - 80% bị nhiễm lần đầu, nếu không tiêm phòng vắc xin, kết hợp vệ sinh chuồng trại không đảm bảo. Vì vậy, để nhận biết bệnh dịch tả trên vịt và cách phòng, chống hiệu quả, người chăn nuôi cần phát hiện sớm các triệu chứng bệnh, để kịp thời chăm sóc đàn vịt và có cách xử lý khi vịt bị bệnh.

Hộ chăn nuôi vịt cần tiêm vắc xin ngừa bệnh dịch tả cho đàn vịt nuôi để đảm bảo vịt sinh trưởng tốt, nhất là nuôi vịt trong thời điểm vào mùa mưa. Ảnh minh họa: THÚY LIỄU

Bệnh dịch tả vịt không chỉ xảy ra trên vịt mà còn trên loài ngỗng và ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là lúc vịt 7 ngày tuổi cho đến trưởng thành; nguồn lây bệnh là phân, dịch tiết từ mũi, mắt của gia cầm mắc bệnh có chứa vi rút, đường lây lan chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp giữa các gia cầm khỏe mạnh và gia cầm bị nhiễm bệnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan dễ dàng qua các phương tiện cơ học như: giày dép, quần áo mang từ một đàn bị nhiễm đến; bệnh lây lan nhanh, vịt bị bệnh trầm trọng trong khoảng 2 - 3 ngày và thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 7 ngày. Triệu chứng nhận biết bệnh dịch tả vịt là vịt, ngỗng bỏ ăn, sợ nước, tiêu chảy nhiều, phân trắng xanh hoặc vàng nhớt, xù lông, chảy nước mũi, mắt có dừ, mí mắt sưng, niêm mạc mắt đỏ, ngoẹo đầu, mất thăng bằng, ngoẹo cổ, bại liệt, chết nhanh.

Khi phát hiện vịt, ngỗng có những triệu chứng bệnh trên, người nuôi xử lý ngay bằng cách, cách ly vịt, ngỗng mắc bệnh để chăm sóc, hỗ trợ phục hồi, cách ly gia cầm khỏe mạnh trong cùng đàn để chăm sóc nuôi dưỡng hoặc tiêu hủy gia cầm chết do mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

Để phòng bệnh dịch tả vịt, người nuôi vịt, ngỗng nên tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi và tiêm phòng theo định kỳ, liều lượng tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin. Đồng thời, người chăn nuôi nên căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng địa phương để chủ động tiêm phòng cho đàn vịt nuôi hiệu quả, nhằm đảm bảo đàn vịt phát triển tốt, nhất là với đàn vịt nuôi lấy trứng, khi giá trứng vịt trên thị trường tốt như hiện nay. Vì vậy, hộ chăn nuôi phải phòng, tránh bệnh dịch tả vịt thật tốt, trong thời điểm thời tiết bất lợi, cho đàn vịt nuôi…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/phong-chong-benh-dich-ta-tren-dan-vit-50959.html