Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Phân cấp phân quyền triệt để để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sáng 28/4, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị cần lưu ý quy định để triệt để cắt giảm thủ tục hành chính, các điều kiện liên quan đến sản xuất, kinh doanh; phân cấp phân quyền triệt để để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

Dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên chiến lược, vừa là tài sản đặc biệt, hàng hóa đặc biệt

Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hồ sơ dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhận được xây dựng đúng trình tự, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được xây dựng rất công phu. Thời gian nghiên cứu xây dựng Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, phục vụ quá trình xây dựng Luật dài, trải qua nhiều bước. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan soạn thảo, Bộ Công an đã có thêm kinh nghiệm về lĩnh vực này, trong đó, đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm thu hút hàng trăm tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến.

Trên tinh thần tạo một trong những đột phá cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vấn đề mới đủ chín, đủ rõ thì luật hóa quy định, những vấn đề chưa đủ chín thì quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một dự án luật mới và khó. Dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên chiến lược, được phép khai thác theo quy định nhưng lại là quyền sở hữu cá nhân, đó là tài sản đặc biệt, khi được giao dịch thì trở thành hàng hóa đặc biệt không giống như một loại hàng hóa nào.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Tọa đàm

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Tọa đàm

“Dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là chủ thể dữ liệu và có tác động tới nhiều lĩnh vực về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Một trong những yêu cầu nghiêm ngặt là quá trình sử dụng, xử lý, chuyển giao, kể cả trong nước và chuyển dữ liệu ra khỏi biên giới phải bảo vệ được an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho mọi hoạt động, phải bảo đảm khơi thông được nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc cho rằng, xử lý các mối quan hệ có liên quan đến DLCN, nhất là trên môi trường số là rất phức tạp, vì vậy đây là vấn đề cần chú ý để quy định thấu đáo, vừa bảo đảm ANQG, TTATXH, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong xây dựng dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật khi hiện nay có khoảng 70 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có nhiều luật chuyên ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý cần tính toán thêm về bố cục các Chương, Điều trong trong dự thảo luật; giải thích từ ngữ, các khái niệm để quá trình thực hiện tạo sự thống nhất. Việc xử phạt vi phạm hành chính, cần quy định để vừa bảo đảm vi phạm phải được xử lý và xử lý cho phù hợp. Về áp dụng pháp luật về bảo vệ DLCN, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu tính vượt trội của Luật này trên phương châm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến các quy định các Luật chuyên ngành; quyền chủ thể dữ liệu; xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; vấn đề chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quy định để triệt để cắt giảm thủ tục hành chính, các điều kiện liên quan đến sản xuất, kinh doanh; phân cấp phân quyền triệt để để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trên cơ sở kết quả Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng.

Tuân thủ quy định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân là trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng cần đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ

Tại Tọa đàm, đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá cao Ban soạn thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và đã bãi bỏ một số yêu cầu trong dự thảo Luật để tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp và hài hòa hơn với thông lệ quốc tế. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) là trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức theo các quy định của pháp luật liên quan để tránh việc rò rỉ, lộ lọt thông tin làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ thể dữ liệu.

Các đại biểu dự Tọa đàm.

Các đại biểu dự Tọa đàm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; quy định để hài hòa giữa quyền của chủ sở hữu dữ liệu và vấn đề bảo vệ DLCN trong đảm bảo an ninh, an toàn. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã cho ý kiến về quy định liên quan đến bảo vệ DLCN trong hoạt động ngân hàng, tài chính, tín dụng, thông tin tín dụng; xử lý DLCN trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu nhưng bảo đảm sự giám sát chặt chẽ để không bị lợi dụng.

Các đại biểu, chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình cần xử phạt nặng đối với trường hợp cố tình không thực hiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng về bảo vệ DLCN. Quan tâm đến quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân, có ý kiến cũng cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá trên nhiều yếu tố như: thông lệ quốc tế; bản chất vi phạm, mức độ ảnh hưởng; liên quan đến trẻ em… để có quy định cho phù hợp với thực tế, bảo đảm khả thi. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng quan tâm góp ý về các nội dung khác trong dự thảo liên quan đến các nội dung như: việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài; lưu trữ, mã hóa dữ liệu cá nhân; xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân; thời hạn phải xóa DLCN khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu. Có ý kiến cũng cho rằng, cần giải thích rõ các khái niệm, từ ngữ, trong đó có “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.

Tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khẳng định, cần thiết cần xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ghi nhận những kiến nghị của chuyên gia, doanh nghiệp về các nội dung dự thảo luật, trong đó có vấn đề báo cáo đánh giá tác động, đại diện Ban soạn thảo Luật cho rằng, nhiều trường hợp người dân, khách hàng bị lộ, lọt thông tin dữ liệu cá nhân trong thời gian qua cho thấy, có nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, từ bên thứ 3. Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Công an sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để quy định xử lý cho chặt chẽ. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nghiên cứu tất cả các ý kiến phát biểu, trao đổi thảo luận để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, mong muốn các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định đang có hiệu lực của Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, không tạo “điểm nghẽn”, “giấy phép con” làm cản trở sản xuất, kinh doanh

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, thay mặt cơ quan thẩm tra, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực tham gia Tọa đàm và phát biểu. Cho rằng, với 21 ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, đây sẽ là những thông tin quan trọng về cơ sở khoa học và thực tiễn, giúp cho Thường trực Ủy ban trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có những đóng góp ý kiến về dự thảo luật, trong đó có các nội dung như: phạm vi điều chỉnh; các khái niệm; vấn đề xử lý, lưu trữ, quyền của chủ thể dữ liệu; xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ DLCN…; khẳng định Ủy ban luôn cầu thị và lắng nghe các ý kiến của cử tri chuyên gia để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Trên cơ sở của cuộc tọa đàm, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội phân tích thấu đáo trên từng lĩnh vực để có những quy định phù hợp, để Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ra đời vừa góp phần bảo vệ dữ liệu cá nhân, không để cản trở sự phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; không tạo ra “điểm nghẽn” hay “giấy phép con” làm cản trở sản xuất, kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu sự tác động. Trên tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, những gì chưa chín, chưa rõ, không cần thiết sẽ bị lược bỏ, không chấp nhận tư duy “không quản được thì cấm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức khẳng định, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ là mảnh ghép tiếp theo trong hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, thực hiện đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia./.

Khắc Phục - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93793