Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp
Sáng 10.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 và tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp. Ảnh: Hồ Long
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan.
Cần cân đối số lượng dự án đưa vào chương trình hàng năm
Báo cáo về công tác chuẩn bị lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo Nghị quyết số 50/2022/QH15, năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Dự kiến, Chính phủ sẽ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 7 dự án luật. Trong đó, Chính phủ đã cho ý kiến đối với 5/7 đề nghị, còn 2 đề nghị là dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Thường trực Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến, dự kiến Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến tại Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2.2023. Như vậy, nếu đề xuất của Chính phủ được chấp thuận, Chương trình năm 2023 sẽ có 21 dự án luật.
Về đề xuất Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nếu đề nghị điều chỉnh về Chương trình năm 2023 được chấp thuận, Chương trình năm 2024 dự kiến có 13 dự án (trong đó có 5 dự án được gối từ năm 2023 và 8 dự án mới). Theo Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2022 – 2025, Chính phủ phải thực hiện 93 nhiệm vụ lập pháp, liên quan đến 96 dự án luật, pháp lệnh. Hiện còn 18 dự án đã hoàn thành nghiên cứu, rà soát và đề xuất đưa vào Chương trình năm 2023 – 2024 nhưng hiện chưa hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng trình Chính phủ để đưa vào Chương trình.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị báo cáo chi tiết, đầy đủ. Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ về dự kiến Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1.3 tới để tổ chức thẩm tra theo quy định.
Cùng với đó, cần rà soát các nhiệm vụ lập pháp theo yêu cầu của Kế hoạch số 81, nhất là các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2022, 2023, đề xuất đưa vào Chương trình năm 2023 – 2024. Hiện nay danh mục còn 18 dự án như Bộ Tư pháp đã nêu thì Chính phủ cần đôn đốc các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc cân đối số lượng, thứ tự các dự án đề xuất đưa vào Chương trình hàng năm bảo đảm tính hợp lý, khả thi, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan chủ trì soạn thảo/chủ trì thẩm tra và một Kỳ họp Quốc hội. Trong quá trình rà soát các dự án đưa vào Chương trình cũng cần chú ý các phương án cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những sơ hở, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng.
Hiến pháp 2013 là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc
Theo đề cương báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trình bày, về tình hình triển khai thi hành hiến pháp, cần đánh giá chung vị trí, vai trò của Hiến pháp 2013 là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc và ổn định cho việc tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cùng với đó, cần đánh giá kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; khái quát kết quả tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp từ năm 2014 đến nay, nhất là sau 5 năm sơ kết triển khai thi hành Hiến pháp (năm 2019) gắn với những yêu cầu, nhiệm vụ mới mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các nội dung cần đánh giá cụ thể bao gồm: về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; về tổ chức bộ máy nhà nước; về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và xã hội chủ nghĩa…

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp và đề cương báo cáo tổng kết, các nội dung cần tập trung đánh giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu các ý kiến để xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Đề nghị Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ trong việc lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, tổng hợp, báo cáo với Lãnh đạo Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội.