Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Chiều 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) nhằm đánh giá công tác cải cách hành chính 10 tháng năm 2023; phương hướng nhiệm vụ hai tháng cuối năm. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Dự phiên họp tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí: Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên BCĐ Cải cách hành chính tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và UBND cấp huyện.
Báo cáo tại phiên họp nêu rõ, trong 10 tháng năm 2023, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên sáu nhiệm vụ trọng tâm.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật luôn được Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với việc tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Trong 10 tháng năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh (QĐKD) tại 30 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Lũy kế từ năm 2021 đến 31/10/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản QPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 QĐKD. Tỉ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022).

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.
Về cải cách tổ chức bộ máy, đến nay, đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

Về cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tính đến nay, đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Triển khai, thực hiện Đề án 06 có kết quả tích cực; đến ngày 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt trên 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 17,2 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng).
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ phiên họp. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn; giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính.
Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của cải cách thủ tục hành chính đối với sự nghiệp phát triển đất nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả 6 nội dung cơ bản của cải cách hành chính gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát hệ thống các văn bản pháp luật để xác định những vướng mắc cần giải quyết; rà soát những thủ tục mà được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn hiện nay về lĩnh vực đất đai, thuế, phí, xuất nhập khẩu, hải quan, tín dụng...; rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, những ai vi phạm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì phải xử lý theo quy định; đẩy nhanh tiến độ, triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử, Đề án 06; đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện có hiệu quả quy định về tinh giản biên chế, cơ cấu lại vị trí việc làm; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia...