Phát triển tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Tổ chức Công đoàn góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đem lại lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp. Thực hiện mục tiêu này, các cấp Công đoàn thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động thành lập Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung (thứ 3, bên trái sang) trao quyết định gia nhập Công đoàn cho người lao động Công ty TNHH Baller Headwear Việt Nam. Ảnh: X.H

Kiên trì tuyên truyền vận động

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Phan Thị Thúy Linh, nhận thức công tác phát triển đoàn viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2023-2028 đã đặt mục tiêu phát triển mới 53.000 đoàn viên đến cuối nhiệm kỳ. “Đây là con số không nhỏ, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải thực sự phát triển nhanh chóng về số lượng, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức của mình”, bà Linh nói.

Là một trong 4 doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn ngay sau Đại hội Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sumko Phạm Bảo Chung cho biết, sau khi được vận động, 27 công nhân đã tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn. Ban Chấp hành Công đoàn công ty đề ra nhiệm vụ trọng tâm từ đây đến cuối năm 2023 là tích cực chăm lo đời sống công nhân, người lao động dịp Tết Giáp Thìn 2024; chia sẻ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của người lao động để có những đề xuất phù hợp với lãnh đạo.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sumko Hồ Văn Hùng cho biết, ban lãnh đạo công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất để Công đoàn hoạt động hiệu quả và mong muốn Công đoàn sẽ là cầu nối thấu hiểu, chia sẻ với người lao động nhiều hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc tiếp cận với doanh nghiệp ngoài Nhà nước để vận động thành lập tổ chức Công đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, nhiều doanh nghiệp FDI đủ điều kiện luôn tìm cách né tránh, trì hoãn việc thành lập tổ chức Công đoàn.

Một trong những lý do là các doanh nghiệp FDI có trụ sở tại nhiều quốc gia, tổ chức Công đoàn ở các quốc gia đó có tính chất hoạt động khác với Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, ban đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp thường không “mở lòng” trong việc thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cán bộ Công đoàn làm công tác vận động luôn kiên trì, bền bỉ tuyên truyền để lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn tại Việt Nam.

“Có doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn phải mất 4 - 5 năm tiếp cận trao đổi mới nhận được sự đồng ý của lãnh đạo doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI phần lớn hoạt động chăm lo, chính sách hỗ trợ cho người lao động rất tốt, nên khi có tổ chức Công đoàn họ càng phát huy được hiệu quả”, ông Trung cho biết.

Tăng niềm tin của người lao động

Khi đã thành lập, tổ chức Công đoàn phải nỗ lực triển khai những hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò tại doanh nghiệp để người lao động tin tưởng, xin gia nhập và gắn bó lâu dài. Theo ông Nguyễn Thành Trung, hiện nay các hoạt động tập trung hướng về cơ sở, khi xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Công đoàn phải lấy ý kiến từ cơ sở để có nội dung phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở với vai trò của mình phải tăng cường giám sát bảo đảm việc chi trả lương, thưởng, thực hiện các chế độ chính sách đúng thời hạn cho người lao động.

"Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh cho các cán bộ Công đoàn cơ sở. Trong những hội nghị người lao động hay ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn phải là người có năng lực đối thoại, nắm rõ các quy định về chế độ, chính sách để cân bằng, hài hòa giữa lợi ích chủ doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, Công đoàn sẽ là điểm tựa cho người lao động và đồng thời cũng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, phát triển kinh doanh", ông Trung nhận định.

Theo bà Phan Thị Thúy Linh, sự hài lòng của người lao động là thước đo chất lượng và hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, các cấp Công đoàn luôn duy trì các hoạt động thực chất, hướng về cơ sở, hướng về người lao động như: nâng cao chất lượng bữa ăn ca, chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, “Tết sum vầy”, “Chuyến xe Công đoàn”; “Mái ấm Công đoàn”, “Tháng Công nhân”, khám và cấp phát thuốc miễn phí, kịp thời hỗ trợ khi đoàn viên gặp khó khăn; các hoạt động giao lưu, tham quan, du lịch, dã ngoại, các CLB.

"Cán bộ Công đoàn phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất, giải quyết và đề nghị giải quyết, hỗ trợ kịp thời khi đoàn viên có yêu cầu. Điều này sẽ góp phần giữ chân người lao động gắn bó với Công đoàn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay", bà Linh chia sẻ.

XUÂN HẬU

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/xa-hoi/202312/phat-trien-to-chuc-cong-doan-trong-doanh-nghiep-ngoai-nha-nuoc-3961158/