Phát huy văn hóa đọc của tuổi trẻ

Đọc sách có vai trò quan trọng trong cuộc sống, học tập, lao động, nên mọi người đều cần đọc sách để nâng cao kỹ năng sống, làm việc hiệu quả, nhất là đối với ĐVTN, học sinh, sinh viên.

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, việc đọc sách càng được tôn vinh nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, khơi dậy lòng yêu sách và xây dựng văn hóa đọc cho mọi người.

Các hoạt động đọc sách, phát huy văn hóa đọc trong ĐVTN luôn được quan tâm, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong công tác nghiên cứu, học tập, rèn luyện, cập nhật và nâng cao kiến thức. Trong đó, Tỉnh Đoàn Trà Vinh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội tổ chức các hoạt động đọc sách, nêu ý nghĩa thiết thực từ hoạt động đọc sách, tuyên truyền nâng cao văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh thiếu nhi.

ĐVTN tham gia đọc sách tại Triển lãm đường sách năm 2024.

Bên cạnh, tổ chức Ngày hội đọc sách hưởng ứng chương trình mỗi thanh niên một quyển sách làm bạn gắn với giới thiệu sách và nâng cao văn hóa đọc cho ĐVTN. Đồng thời, tham gia hoạt động triển lãm đường sách, huy động ĐVTN trưng bày, giới thiệu sách, tìm đọc sách từ các gian hàng, góp phần tuyên truyền về ý nghĩa của sách, hiểu thêm giá trị của sách và phát huy văn hóa đọc trong thanh niên hiện nay.

Anh Trần Trung Tấn, Phó Bí thư Chi đoàn Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Trà Vinh cho biết: nhằm tăng cường hoạt động đọc sách trong ĐVTN, Chi đoàn thường xuyên tuyên truyền ĐVTN đọc sách. Tại đơn vị, cChi đoàn có trang bị sách, báo để ĐVTN đọc, nhắc ĐVTN xem thông tin trên các trang thông tin điện tử chính thống để biết thêm tình hình của địa phương… Chi đoàn có 31 đoàn viên, trong các cuộc họp lệ, chi đoàn thường tuyên truyền các hoạt động đọc sách, nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Thông thường vào buổi sáng, mọi người làm việc đến 09 giờ và được giải lao 15 phút, thời gian giải lao, các bạn tranh thủ đọc sách, báo và chia sẻ các thông tin tích cực trên mạng xã hội, trao đổi những nội dung tích cực đọc được từ sách báo để mọi người cùng biết.

Song song đó, việc đọc sách trong đoàn viên là sinh viên rất quan trọng. Em Danh Thị Lel, sinh viên năm 3, ngành sư phạm tiếng Khmer, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn (Trường Đại học Trà Vinh) rất thích đọc sách vì vừa phục vụ học tập vừa giúp bổ sung nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống.

Em Danh Thị Lel chia sẻ: Trường Đại học Trà Vinh có thư viện lớn, hiện đại phục vụ sinh viên tìm tài liệu học tập, nghiên cứu và nhiều sách các đề tài, lĩnh vực khác. Chuyên ngành của em phải đọc sách thật nhiều vì không đọc, vốn từ vựng của em sẽ rất ít và nhiều từ chuyên môn, từ địa phương em không biết. Quê em ở tỉnh Sóc Trăng, tuy cách nói tiếng Khmer của người Trà Vinh và Sóc Trăng có rất nhiều từ phát âm khác nhau nên em phải đọc thêm sách để hiểu nhiều hơn. Nếu không đọc sách thì em sẽ không biết được nhiều kiến thức bổ ích của các lĩnh vực khác nhau, rất cần thiết đối với học tập và cuộc sống.

Cùng học Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn, em Nguyễn Văn Kỳ, sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh chia sẻ: thời gian học ở lớp có phần giới hạn, thầy cô không thể truyền đạt nhiều kiến thức đến sinh viên nên việc đọc sách rất quan trọng, giúp các em bổ sung nhiều kiến thức mới lạ phục vụ học tập. Đọc nhiều sách giúp em hiểu sâu hơn các vấn đề được thầy cô truyền đạt trên lớp, biết nhiều thông tin hơn trong cuộc sống. Thời gian học phổ thông, trường có phát động đọc sách nhưng không nhiều như học đại học hiện nay. Em thường tìm đọc các sách chuyên về ngôn ngữ, nâng cao năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung) và các sách bổ trợ, sách kỹ năng. Đối với sinh viên như em, việc đọc sách rất quan trọng giúp em học hiệu quả và có thêm nhiều kỹ năng giao tiếp tốt hơn.

Việc duy trì tốt thói quen đọc sách, trao đổi kiến thức sau khi đọc sách sẽ giúp lan tỏa những nội dung tích cực, những kiến thức mới đến bạn bè đồng nghiệp để cùng nhau nhận thức, cùng nhau củng cố, cập nhật kiến thức giúp ích cho công việc. Vì vậy, hàng ngày, mọi người, nhất là ĐVTN, học sinh, sinh viên cần dành thời gian đọc những quyển sách mình yêu thích, cập nhật các thông tin thời sự trên báo, tạp chí, đồng thời tuyên truyền cho người thân trong gia đình cùng đọc. Từ đó hình thành thói quen đọc sách, báo, tiếp cận những loại sách có nội dung hay, phù hợp để đọc và đẩy mạnh phong trào đọc sách, tôn vinh những giá trị của sách và “Văn hóa đọc”. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/phat-huy-van-hoa-doc-cua-tuoi-tre-36543.html