Phát huy vai trò HTX nông nghiệp trong phát triển kinh tế

PTĐT - Đứng trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, HTX nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, từ đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất ...

HTX chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê chuyên nuôi chim bồ câu Pháp và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

HTX chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê chuyên nuôi chim bồ câu Pháp và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

PTĐT - Đứng trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, HTX nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, từ đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường; tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa. Tuy nhiên, để HTX nông nghiệp phát huy đúng vai trò thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Toàn tỉnh hiện có gần 300 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 200 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 60 HTX trồng trọt, 17 HTX chăn nuôi, 10 HTX thủy sản. Tổng số thành viên của các HTX là trên 60.400 người với gần 3.000 lao động làm việc thường xuyên, trong đó, 33 HTX tham gia hoạt động liên kết sản xuất, 12 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Doanh thu bình quân 1 HTX ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 21 triệu đồng/HTX/năm. Trong kinh tế thị trường hiện nay, để sản xuất nông nghiệp bền vững, HTX giữ vai trò “đứng mũi chịu sào”, đại diện cho các thành viên ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản. HTX trực tiếp hoặc gián tiếp có vai trò tích cực trong việc giảm chi phí sản xuất - tiêu thụ, ổn định và mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và thu nhập của các hộ thành viên.Hiện nay, nhiều HTX đã thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng thiết lập mối liên kết sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu, khách quan phù hợp với quy mô, tính chất cạnh tranh của nền kinh tế, tạo chuỗi giá trị sản phẩm theo chiều tăng dần, bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Mô hình này tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng tăng giá trị và lợi nhuận trên cơ sở giảm được giá thành đầu vào chứ không trông chờ vào Nhà nước như trước đây. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, tăng thu nhập cho bà con và hạn chế tình trạng thương lái ép giá. HTX nông nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản là nguyện vọng và lợi ích của nông dân, là động lực để phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới và nền nông nghiệp thời kỳ hội nhập.HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc Phú Thọ, xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa hoạt động tương đối hiệu quả trong liên kết chuỗi. Anh Bùi Đức Tuyển - Giám đốc HTX cho biết: HTX có 50 hộ sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn, được chia thành các tổ sản xuất. HTX liên kết các nông hộ và các trang trại chăn nuôi tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm sạch tới người tiêu dùng. Sản phẩm chủ yếu gồm rau, củ, quả, thịt lợn sạch, thịt gà, cá, ốc nhồi... được chăm sóc theo đúng quy trình an toàn. Các sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ; các khâu chế biến, vận chuyển, giết mổ, phân phối đều tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm. HTX có cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Hạ Hòa và đặc biệt chú trọng đến tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử nên đầu ra tương đối ổn định. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, phương thức sản xuất mới đang làm thay đổi tư duy sản xuất của thành viên HTX và nông dân trên địa bàn, các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường được người dân chú trọng hơn.Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế. Với các HTX làm dịch vụ tổng hợp, hoạt động dịch vụ đem lại lợi nhuận thấp, mang tính chất phục vụ cộng đồng là chính, khó cạnh tranh trong cơ chế thị trường do cùng trên địa bàn có nhiều thành phần tham gia dịch vụ. Mặt khác, bộ máy của các HTX này còn cồng kềnh, kém năng động, hiệu quả thấp. Các HTX chuyên ngành về các lĩnh vực như chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản, sản xuất nấm, rau sạch... được xem là hoạt động khá hiệu quả song vẫn còn những hạn chế nhất định như quy mô nhỏ, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều HTX phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, giá cả không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có liên kết bền vững trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước những khó khăn chung của các HTX nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng tới các chính sách về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, hỗ trợ phát triển HTX, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm... Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đòi hỏi các HTX cần có năng lực, trách nhiệm và kinh nghiệm thị trường cao, vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện mô hình các HTX nông nghiệp theo đúng chuẩn mực và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Tăng cường hỗ trợ các HTX nâng cao nhận thức, năng lực quản trị, đàm phán, xây dựng và quảng bá thương hiệu, duy trì quan hệ đối tác, xây dựng HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các HTX cần phát huy nội lực, có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, khả thi, phù hợp với nguồn lực hiện có, thích nghi với cơ chế thị trường.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201908/phat-huy-vai-tro-htx-nong-nghiep-trong-phat-trien-kinh-te-166054