Phát huy lợi thế để phát triển

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy) luôn đoàn kết, nỗ lực, từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các sản phẩm bày bán trong Siêu thị Limina Plaza đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với quan điểm nhất quán, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ một cách toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng miền, Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Thanh Thủy đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề và khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Theo đó, nắm bắt lợi thế về điều kiện tự nhiên, với nguồn nước khoáng nóng phù hợp đầu tư cho nghỉ dưỡng, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, thị trấn Thanh Thủy đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Những năm gần đây, thị trấn liên tục đầu tư nguồn lực tập trung cho phát triển hạ tầng cơ sở. Các trục đường chính, các tuyến giao thông liên khu, đường nối thị trấn với các xã trên địa bàn huyện và các vùng lân cận được đầu tư xây dựng, thuận lợi cho việc đi lại, kết nối giao thương các vùng.

Trong chỉnh trang đô thị, nhiều tuyến đường nội thị được nâng cấp, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, cải tạo vỉa hè, trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan đô thị sáng - xanh- sạch - đẹp. Thị trấn chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đề án thu gom rác thải, chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; làm tốt công tác giải tỏa hành lang giao thông; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các khu nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch trên địa bàn. Qua đó thu hút nhiều khách du lịch, mỗi năm ước tính lượng khách du lịch về địa bàn vài trăm nghìn lượt người.

Đây cũng là bước đệm thúc đẩy kinh tế thị trấn đi đúng hướng Nghị quyết Đại hội thị trấn đã đề ra, đó là giảm tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và du lịch, dịch vụ, thương mại. Hiện thị trấn có tổng số 1.743 hộ kinh doanh cá thể, trong đó riêng hộ kinh doanh dịch vụ 1.154 hộ. Tổng giá trị thu từ thương mại, dịch vụ, du lịch những năm gần đây ước đạt hơn 200 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, thị trấn tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Trên địa bàn thị trấn có 54 doanh nghiệp, 112 hộ hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có một số ngành phát triển tương đối đồng đều, có giá trị thu nhập cao như may mặc, đồ gỗ, chế biến lâm sản... Tổng giá trị thu đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm.

Thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp cận đô thị, thị trấn đã quy hoạch chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; tiếp tục duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm với tổng đàn gần 400 con trâu, bò, đàn lợn trên 6.000 con, đàn gia cầm khoảng 40.000 con; nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nuôi trồng cây, con đặc sản nhằm tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của thị trấn đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm. Hiện giá trị thu hoạch trên diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt 111 triệu đồng/ha.

Phát huy điều kiện thuận lợi cùng giải pháp đồng bộ đã giúp bộ mặt thị trấn Thanh Thủy thêm khởi sắc, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân ngày càng nâng cao, đến nay đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17%.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-huy-loi-the-de-phat-trien-212250.htm