Phát huy giá trị giáo dục truyền thống lịch sử của các hiện vật thời kỳ chiến tranh cách mạng
Càng gần tới kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8) và Quốc khánh (2/9), càng có nhiều khách tham quan đến các bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh. Từ các đoàn học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, học tập đến những cán bộ lão thành, cựu chiến binh, những người dân đi lập nghiệp, sinh sống xa quê hương lâu năm có dịp trở về... Các bảo tàng, nhà truyền thống từ lâu đã trở thành những 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Những kỷ vật đi cùng năm tháng
Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày trên 24 nghìn hiện vật. Không gian trưng bày chuyên đề “Những kỷ vật đi cùng năm tháng” là minh chứng cụ thể về lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân Nam Định với hàng nghìn tư liệu, hình ảnh, hiện vật được sắp xếp, bảo quản, trưng bày khoa học theo các giai đoạn lịch sử thuộc các nhóm: hiện vật khối, kho phim ảnh, kho tư liệu giấy… Trong đó, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945-1954) có những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu như: những cột nhà cháy dở còn sót lại của một gia đình cách mạng ở xã Hải Đường (Hải Hậu) bị giặc Pháp phát hiện đã giết cả gia đình và đốt nhà (năm 1950) hòng làm lung lạc tinh thần cách mạng của nhân dân địa phương. Nhưng chúng đã nhầm, điều đó chỉ càng làm bà con nung nấu quyết tâm kháng chiến bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc và trả thù cho đồng bào quê hương! Hay đó là 4 cột nhà bị cháy của các cơ sở cách mạng tại huyện Ý Yên năm 1953 là minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp khi chúng ném bom Napan xuống khu vực xã Yên Bình. Cùng với đó là nhiều hiện vật có giá trị khác như: 2 mảnh bom của máy bay Pháp từ năm 1954 được tìm thấy tại các xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Yên Bình (Ý Yên); thân cây đa với nhiều lỗ thủng do bom đạn gây ra - chứng tích chiến tranh ở xã Liên Minh (Vụ Bản) cùng nhiều hiện vật là khí tài của giặc Pháp bị quân ta thu giữ trong các trận chiến...
Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (giai đoạn 1954-1975) có các hình ảnh, hiện vật như: hình ảnh nhà dân, những khu phố bị bom đạn hủy diệt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai năm 1972 của đế quốc Mỹ tại thành phố Nam Định; những hiện vật của người dân tham gia chiến đấu chống giặc; 2 mảnh chăn chiên của chiến sĩ; bộ quang gánh người dân dùng để gánh lương thực, thực phẩm ra trận địa phục vụ bộ đội; chông quay tự tạo để bố phòng bờ biển; chiếc gầu dây dùng để tát nước, xây dựng trận địa phòng không bảo vệ thành phố Nam Định; những chiếc bát dùng thường ngày của bộ đội; chiếc liềm của dân quân vùng biển Hải Hậu dùng để cắt cỏ, ngụy trang địch; hộp đựng ngòi nổ đạn pháo… Mỗi hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đều gắn với những câu chuyện, sự kiện lịch sử mang ý nghĩa to lớn về những mất mát, hy sinh, sự dũng cảm, kiên cường trong kháng chiến của quân và dân Nam Định. Có thể kể đến hiện vật đặc biệt là 2 mảnh chăn chiên của ông Trần Trung Ẩm, nguyên bộ đội Sư đoàn 312. Năm 1972, đơn vị ông Trần Trung Ẩm tham gia trận đánh lớn tại Thành cổ Quảng Trị. Khi đi qua một căn hầm, ông thấy một chiến sĩ bị thương, đang lên cơn sốt rét. Nhìn đồng đội run lên vì cơn rét, ông đã vội cắt đôi chiếc chăn của mình, lấy một mảnh đắp cho người chiến sĩ ấy. còn một mảnh ông giữ lại cho mình. Thật may mắn, cả hai cùng thoát chết ở nơi "túi bom vựa đạn" từng được gọi là "cối xay thịt". Trở về quê hương, cả hai người lính vẫn luôn giữ mảnh chăn làm kỷ niệm. Năm 2007, ông Trần Trung Ẩm đã tặng mảnh chăn của mình cho ông Vũ Đình Lưu, khi đó là chủ của Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh tư nhân. Năm 2009 khi đi sưu tầm kỷ vật tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ông Lưu đã tìm được nửa mảnh chăn còn lại từ chính người chiến sĩ bị thương năm xưa. Trong số những tư liệu ảnh có giá trị được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh còn phải kể đến bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quang Văn - hình ảnh nữ dân quân du kích Hà Thị Nhiên hiên ngang kéo xác máy bay Mỹ trên bờ biển Hải Thịnh (Hải Hậu) đã được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải. Ngoài ra còn có hàng chục lá thư thời chiến được lưu giữ, bảo quản cẩn thận; trong đó nhiều bức thư tựa như những dòng lưu bút, hồi ký, nhật ký của người chiến sĩ trước lúc hy sinh, thể hiện sâu sắc phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - người con quê hương trong những năm tháng kháng chiến gian khổ: tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường; tinh thần lạc quan yêu đời, niềm tin về ngày đất nước được hòa bình, độc lập; tình quân dân, tình yêu đôi lứa, tình cảm hậu phương…
Cùng với Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn 4 bảo tàng cấp huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và nhiều nhà truyền thống, nhà lưu niệm do các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh quản lý trưng bày một khối lượng lớn hiện vật, tài liệu về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tiêu biểu như: Nhà truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh, Nhà truyền thống Công an tỉnh, Nhà truyền thống Nhà máy Dệt Nam Định; nhà truyền thống ở các xã: Hải Trung, Hải Anh, Hải Phú, Hải Minh (Hải Hậu), Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), Đồng Sơn (Nam Trực), Trực Đại (Trực Ninh), Liên Minh (Vụ Bản);…
Phát huy giá trị các hiện vật lịch sử cách mạng
Những năm qua, công tác xã hội hóa các hoạt động tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có phong trào sưu tầm, hiến tặng tài liệu, hiện vật để trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu đến công chúng đã góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản. Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận hàng nghìn tài liệu, hiện vật đa dạng về loại hình, chất liệu, niên đại bao hàm giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Năm 2017, ông Vũ Đình Lưu, chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (thành phố Nam Định) đã hiến tặng và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh hơn 1.400 tài liệu, hiện vật gồm các nhóm: hiện vật quân trang, quân dụng của bộ đội; hiện vật vũ khí, khí tài; nhóm hiện vật chiến lợi phẩm; kỷ vật của quân nhân, gia đình bộ đội; hiện vật thời bao cấp. Từ những quân trang, quân dụng, chăn, màn, ba lô, hộp cơm, tăng võng, xanh-tuya-rông, bát sắt, ca, bút máy, đồng hồ, ống nhòm, la bàn, đèn pin… đến những vũ khí như: dao găm, súng, đạn, lựu đạn... Tất cả đều gắn với hành trang của người lính. Việc tiếp nhận tài liệu, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân được Bảo tàng tỉnh tiến hành theo đúng quy trình, sau đó tiến hành thẩm định, bổ sung thông tin nhằm làm rõ nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Các tài liệu, hiện vật được hiến tặng được tư liệu hóa, gắn số hiệu riêng biệt theo đúng nguyên tắc, được phân loại theo từng chất liệu, niên đại; trên cơ sở đó thành lập các bộ sưu tập hiện vật hoặc các chuyên đề đặc trưng để trưng bày và nhập kho cơ sở.
Nhằm phát huy giá trị các hiện vật lịch sử chiến tranh cách mạng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều chương trình gắn kết hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh và di sản văn hóa với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Các trường học, công ty lữ hành du lịch tổ chức nhiều hoạt động đưa học sinh, sinh viên, khách du lịch đến tham quan, học tập, trải nghiệm, nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 12 nghìn lượt khách từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục đến với bảo tàng vào các dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4); Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9); Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12). Tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống tại Bảo tàng tỉnh đều là những trải nghiệm bổ ích, giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi học tập được nhiều kiến thức về lịch sử cách mạng kháng chiến, hiểu rõ hơn quá trình chiến đấu gian khổ, kiên cường của ông cha ta đã cống hiến xương máu vì nền hòa bình, độc lập dân tộc. Ở các địa phương trong tỉnh, các trường học, cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan tại bảo tàng, nhà truyền thống với các hoạt động ý nghĩa như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ của địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh. Ngoài việc mở cửa thường xuyên các ngày trong tuần, phục vụ khách tham quan, các bảo tàng, nhà truyền thống còn tạo điều kiện cho các đơn vị, các tổ chức đoàn thể tới nghiên cứu, học tập, sinh hoạt ngoại khóa, kết nạp Đảng…
Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, những kỷ vật chiến tranh đi cùng năm tháng đã trở thành nguồn sử liệu vô cùng quý giá, luôn được cán bộ, nhân dân trong tỉnh trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị. Qua đó giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh - “một thời để nhớ” với những ký ức hào hùng của đất và người Nam Định trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.