Phát hiện hai vật thể vũ trụ đang biến hình thành siêu Trái Đất

Các nhà khoa học đã phát hiện hai hành tinh khí đặc biệt đang trong quá trình biến đổi thành siêu Trái đất ở 2 chòm sao Song Tử và Trường Xà.

Sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA và Kính viễn vọng Keck II thuộc Đài quan sát W.M.Keck (đặt tại Hawaii), nhóm nghiên cứu dẫn dầu bởi tiến sĩ Michael Zhang từ Viện Công nghệ California (Mỹ) đã có phát hiện vô cùng thú vị từ 2 chòm sao Song Tử và Trường Xà.

Cụ thể, họ đã phát hiện ra 2 "tiểu Hải Vương Tinh" đang trong quá trình biến đổi vô cùng ngoạn mục. Đây đều là hành tinh khí mang cùng tính chất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương trong hệ Mặt Trời.

Hành tinh thứ nhất là HD 63433c, quay quanh một ngôi sao loại G5 tên HD 63433, nằm cách chúng ta 73 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Song Tử.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu của khí hydro di chuyển từ bầu khí quyển của nó đến sao mẹ với tốc độ 50 km/giây. Trong khi đó hành tinh thứ hai mang tên TOI-560b thì mất đi khí heli theo cách tương tự khi quay quanh ngôi sao mẹ TOI-560 loại K4 trong chòm sao Trường Xà.

Nguyên nhân chúng mất đi bầu khí quyển là lực hấp dẫn của dạng tiểu Hải Vương Tinh thường kém, do đó đến nằm gần sao mẹ, nó không giữ nổi bầu khí quyển.

Các "tiểu Hải Vương Tinh" có cấu tạo giống Sao Hải Vương, gồm một bầu khí quyển dày đặc bao bọc lấy một lõi đá lớn. Quá trình thất thoát khí quyển khốc liệt nói trên sẽ khiến một ngày nó còn trơ lõi, có thể chỉ giữ được một lớp khí quyển mỏng hay thậm chí là mất hết.

Lúc đó, chúng sẽ chuyển từ trạng thái hành tinh khí sang hành tinh đá. Bởi lõi đá của các tiểu Hải Vương Tinh thường vẫn lớn hơn Trái Đất rất nhiều, nên sẽ trở thành siêu Trái Đất.

Siêu Trái Đất là khái niệm chỉ những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có khối lượng lớn cỡ 10 lần Trái Đất, có bề mặt đất đá và khí quyển mỏng.

Hành tinh đất đá (hay còn gọi là hành tinh kiểu Trái Đất, tuy rằng không nhất thiết phải có thủy quyển) là các hành tinh có cấu trúc và các tính chất giống các hành tinh vòng trong của Hệ Mặt Trời (như Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa): có bề mặt chắc cứng, khối lượng khá thấp, trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và các kim loại nặng.

Thuật ngữ hành tinh đất đá được sử dụng để phân biệt với loại hành tinh thông dụng thứ hai là hành tinh khí khổng lồ (chứa một lõi đất đá nhỏ và một vỏ bọc khí/khí hóa lỏng khổng lồ bao quanh).

Hệ Mặt Trời có 4 hành tinh đất đá là Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa và 6 hành tinh lùn có dạng này là:Ceres, Sao Diêm vương, Eris, Makemake, Haumea, Sedna.

Các hành tinh lùn hầu như không có khí quyển, còn trong 4 hành tinh, Sao Thủy cũng có khí quyển cực kỳ mỏng manh. Mặt Trăng tuy là một vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, cũng đôi khi được nhắc đến trong nhóm các hành tinh đất đá của Hệ Mặt Trời, do khối lượng đáng kể của nó.

Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-hai-vat-the-vu-tru-dang-bien-hinh-thanh-sieu-trai-dat-1659816.html