Phát hiện 5 'vương quốc con lai giữa 2 loài người' ở Á - Âu
Các nhà nghiên cứu đã xác định ra 4 khu vực có thể là vườn địa đàng cổ đại, nơi hai vị tổ tiên khác loài của chúng ta - Neanderthals và Denisovans - chung sống và hôn phối dị chủng.
Sự giao thoa của các loài người, bao gồm Neanderthals và Denisovans, hoặc một trong hai loài với loài Homo sapines chúng ta, đóng góp rất quan trọng trong việc tạo ra hình thái nhân loại ngày nay, cho dù họ đã tuyệt chủng.
Neanderthals và Denisovans là hai loài người gần gũi với loài chúng ta, tuyệt chủng khoảng 30.000 năm trước. Ở châu Âu, Neanderthals nảy sinh hôn phối dị chủng với tổ tiên chúng ta khá thường xuyên, trong khi "mối tình" Denisovans - Homo sapines chủ yếu tập trung ở châu Á.
Tuy nhiên, việc 2 loài cổ xưa cùng thuộc chi Người (Homo) nói trên giao phối dị chủng với nhau có vẻ khó khăn hơn. Họ không có khả năng thích nghi cao như chúng ta, nên cộng đồng thường khu biệt ở một kiểu môi trường nhất định.
Người Denisovans hùng cứ các vùng rất lạnh như các khu rừng phương Bắc, lãnh nguyên phía Bắc Á - Âu, trong khi người Neanderthals thích các khu rừng và đồng cỏ ôn đới ấm áp phía Tây Nam thế giới.
Tuy nhiên theo Sci-News, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science chỉ ra chính sự thay đổi của quỹ đạo Trái Đất đã tạo ra những môi trường chồng lấn vào các giai đoạn riêng biệt trong quá khứ 400.000 năm qua.
Môi trường chồng lấn đã đẩy 2 loài người cổ đến gần nhau, từ đó nảy sinh các mối tình dị chủng.
Khu vực Trung Á - Âu, Kavkaz (nằm ở biên giới Á - Âu, thuộc lãnh thổ Gruzia, Azerbaijan, Armenia và một phần ở Nam Nga ngày nay), dãy Thiên Sơn (Trung Quốc), dãy Trường Bạch (ranh giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên) được xác định là 4 trong số các "chiếc nôi" tự nhiên của những con người lai cổ đại.
Ngoài ra, khu vực Atai thuộc lãnh nguyên Siberia - Nga có thể nảy sinh sự chồng lấn môi trường đến 3 giai đoạn trong lịch sử, mỗi giai đoạn kéo dài hàng chục ngàn năm.
Điều này đã được nhóm khoa học gia từ Viện Khoa học Cơ bản và Đại học Quốc gia Busan (Hàn Quốc), Đại học Napoli Federico II, Đại học Nghiên cứu Firenze và Đại học Molise (Ý) tìm thấy thông qua sự thay đổi nồng độ carbon dioxide thời cổ đại, vẫn được lưu giữ trong trầm tích.
Điều này phù hợp với một số bằng chứng khảo cổ cho thấy hai loài này đã từng hôn phối dị chủng, bao gồm vài cá thể lai hóa thạch từng được xác định ở nước Nga.
Các kết quả nêu bật tác động của môi trường đối với sự tiến hóa loài người, đồng thời giúp giải thích thêm về sự thay đổi của chính chúng ta.
Ngày càng nhiều các bằng chứng khoa học cho thấy người hiện đại thừa hưởng nhiều món quà di truyền từ các vị tổ tiên khác loài này, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và nguy cơ một số bệnh.