Phát hành trái phiếu chính phủ đảm bảo hiệu quả vay và sử dụng vốn vay
Để hoàn thành nhiệm vụ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2023, Bộ Tài chính sẽ bám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương, đảm bảo hiệu quả vay và sử dụng vốn vay theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Quốc hội.
Phát hành đạt 249.881 tỷ đồng
Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ phát hành TPCP năm 2023 cho KBNN là 400.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với yêu cầu, Bộ Tài chính (KBNN) đã tổ chức phát hành TPCP với khối lượng thấp để duy trì hoạt động thị trường và đảm bảo hiệu quả vay, sử dụng vốn vay của ngân sách trung ương.
Cụ thể, kết quả đến hết tháng 9, tổng khối lượng TPCP phát hành đạt 249.881 tỷ đồng, bằng 62,5% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng), đảm bảo đủ nhu cầu cho chi trả nợ gốc và dành phần còn lại cho chi đầu tư phát triển; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 12,42 năm, phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP được duy trì ở mức trên 9 năm (9,17 năm); lãi suất phát hành TPCP bình quân là 3,36%/năm, giảm 0,12% so với năm 2022 (3,48%).
Theo KBNN, việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP đã giúp giảm chi phí vay vốn của ngân sách trung ương, phù hợp với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, giữ ổn định mặt bằng lãi suất chung, góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Như vậy, với các kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, công tác huy động vốn TPCP đã đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu vốn của ngân sách trung ương, theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội.
Bám sát tình hình thu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 74/2022/QH15, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của NSNN; thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành TPCP gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo KBNN, yêu cầu phát hành TPCP gắn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách trung ương trong khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thường chậm trong những tháng đầu năm và chủ yếu được đẩy nhanh vào thời điểm cuối năm. Trong khi đó, thời điểm cuối năm, các nhà đầu tư TPCP, chủ yếu là các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng, giảm nguồn vốn đầu tư TPCP, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cao, dẫn đến khả năng không huy động đủ vốn theo kế hoạch hoặc phải huy động vốn với lãi suất cao.
Để đáp ứng đủ nhu cầu chi của ngân sách trung ương đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường TPCP, trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều hành công tác huy động vốn thông qua phát hành TPCP.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn. Đồng thời, bám sát tình hình thu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương và tình hình thị trường để điều hành khối lượng phát hành TPCP phù hợp với nhu cầu vốn của ngân sách trung ương, với lãi suất phát hành TPCP phù hợp với tình hình thị trường và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, góp phần giữ ổn định thị trường.
Bộ Tài chính cho biết sẽ tận dụng tối đa và sử dụng linh hoạt các nguồn tài chính hợp pháp khác để nâng cao hiệu quả vay, sử dụng vốn vay.