Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Đồng bộ mới hiệu quả

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tại 23 phường thuộc TP. Huế cũ, từ tháng 11/2023 thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đối với 36 phường, xã nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí tại Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đến năm 2030.

 Phường Thủy Xuân triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” nhằm vận động người dân giữ lại vỏ lon, chai nhựa, bìa giấy để gây quỹ hỗ trợ các gia đình khó khăn và bảo vệ môi trường

Phường Thủy Xuân triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” nhằm vận động người dân giữ lại vỏ lon, chai nhựa, bìa giấy để gây quỹ hỗ trợ các gia đình khó khăn và bảo vệ môi trường

Chuyển biến

Là một trong những phường trung tâm của thành phố, trong đó có hàng chục cơ sở kinh doanh ẩm thực, giải khát tại Phố đi bộ Hai Bà Trưng và các tuyến đường trung tâm nên ngoài lượng rác thải sinh hoạt của người dân, rác thải từ các cơ sở kinh doanh mua bán trên địa bàn phường Vĩnh Ninh khá lớn. Trước thực trạng đó, UBND phường và các đoàn thể triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, ông Nguyễn Đức Tường Thoại cho rằng, ngay từ khi thành phố phát động chương trình phân loại CTRSH tại nguồn, phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn người dân phương pháp, cách thức phân loại CTRSH, đồng thời lắp đặt các thùng lưu chứa rác tại các khu vực trung tâm để người dân và các cơ sở kinh doanh thực hiện phân loại rác. Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay các tuyến phố, tuyến đường trung tâm hay các khu dân cư đã dần khang trang, sạch sẽ; người dân đã tự ý thức trong việc phân loại rác trước khi đưa ra các thùng lưu chứa.

Sang giai đoạn 2, hiện phường đang triển khai vận động để xây dựng tuyến đường Hai Bà Trưng trở thành tuyến phố không rác thải nhựa, sau đó nhân rộng mô hình ở các tuyến phố khác. Ngoài ra, thí điểm 150 hộ thuộc 5 tổ dân phố trên địa bàn về việc phân loại rác, sau đó thu gom để gây quỹ ủng hộ các gia đình khó khăn.

Với mục tiêu góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, mới đây UBND phường Thủy Xuân cùng các ban ngành, đoàn thể, các tổ dân phố triển khai các hoạt động thu gom rác trên địa bàn, đồng thời đặt các thùng rác theo mô hình “Ngôi nhà xanh” dọc các tuyến đường trung tâm, nhà hàng ăn uống và vận động người dân giữ lại vỏ lon, chai nhựa, bìa giấy… bỏ vào ngôi nhà xanh gây quỹ hỗ trợ các hộ khó khăn trên địa bàn. Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt với sự tham gia của cán bộ, đảng viên và người dân, phường cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác nhằm chung tay cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phân loại CTRSH tại nguồn.

Tăng cường tái chế, tái sử dụng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song, trong năm 2022, thành phố đã triển khai giai đoạn 1 của chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 23 phường thuộc thành phố cũ và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tại 13 phường, xã mới sáp nhập vào thành phố từ tháng 7/2021 lượng rác thải nhựa xuất hiện tràn lan, từ các địa phương ven biển như Hải Dương, Hương Phong, Thuận An đến các vùng đồi núi như Hương Thọ, Thủy Bằng… Từ tháng 11/2023, thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 cho toàn bộ 36 phường, xã để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn.

Ông Trần Song nhấn mạnh, chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường; đồng thời nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống.

Để triển khai hiệu quả, đồng bộ chương trình phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 2, hiện thành phố đang phối hợp với Tổ chức WWF-Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cách thức phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải thu gom đúng quy định, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giúp các tổ chức, cá nhân hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống. Vì vậy, thành phố yêu cầu 100% UBND các phường, xã tổ chức triển khai phân loại CTRSH tại nguồn và các hộ gia đình, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Thành phố dự kiến cung cấp CTRSH cho Nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn thành 3 nhóm, gồm nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại, thủy tinh các loại; nhóm chất thải nguy hại gồm pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng, các loại chất thải nguy hại khác; nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng và xác chết động vật nuôi).

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-nguon-dong-bo-moi-hieu-qua-135374.html