Phân cấp, giao quyền, tạo cơ chế để Thủ đô phát triển

Tại cuộc làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa 15, vấn đề nổi bật được các đại biểu quan tâm đó là dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Với sự chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học, Dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Đồng tình với đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô phải tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Hà Nội đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Điển hình nhất là quá trình triển khai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng đề nghị các cơ quan Thành phố phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố cung cấp thông tin trong quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng mong mỏi của cử tri và yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Một trong 9 nhóm chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhóm chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô. Việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tạo sự chủ động, đồng thời cho phép thành phố có cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực tài chính - ngân sách cho phát triển. Làm thế nào để huy động và sử dụng nguồn lực tài chính tư nhân, cũng như không để lãng phí nguồn lực đất đai – đây là hai yếu tố rất quan trọng, mà nếu tận dụng hiệu quả, sẽ mang đến nguồn lực tài chính lớn cho Hà Nội.

Luật thủ đô (sửa đổi) lần này cho phép thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội theo phương thức xây dựng - chuyển giao BT. Theo đó, hợp đồng có thể được thanh toán bằng đất. Đây được đánh giá là thử nghiệm mang tính đột phá của Hà Nội trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Một trong những nỗ lực nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất đai, đó chính là việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD, được quy định tại Luật thủ đô sửa đổi. Đây sẽ là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô. Ngoài mục đích thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư, định hướng TOD còn cho thấy nỗ lực của Hà Nội trong huy động nguồn lực xã hội hóa, đồng thời đây cũng là kênh tạo nguồn lực tài chính đáng kể.

Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này cũng đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia. Lý do bởi không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, và sự sẵn sàng đáp ứng của phía được đầu tư. Vì vậy, Luật thủ đô sửa đổi nên có những quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Nguồn lực tài chính, có thể hiểu đơn giản, đến từ tiền và đất. Để thu hút được nguồn lực quan trọng này, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù. Sửa đổi Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn, nếu được thông qua sẽ tạo lợi thế để Hà Nội nâng cao năng lực tài chính ngân sách và huy động được nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phan-cap-giao-quyen-tao-co-che-de-thu-do-phat-trien-199034.htm