Phân biệt Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại tại ĐH Quốc tế Sài Gòn

Chương trình đào tạo Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại được thiết kế và cập nhật dựa trên nhu cầu nhân lực xã hội.

Ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn đào tạo 2 chuyên ngành, gồm Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại.

Để làm rõ những điểm khác biệt của 2 chuyên ngành đào tạo này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

Chuyên ngành có tính ứng dụng cao

Chia sẻ về sự cần thiết đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại), theo thầy Tư, Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu nên năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trở thành điều kiện cấp thiết ở các ngành nghề và khu vực kinh tế - xã hội.

Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ [1]. Thầy Tư cho rằng, việc thiếu giáo viên ngoại ngữ dạy chương trình mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy, đặc biệt ở cấp tiểu học.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, theo thầy Tư, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự gia tăng của nhu cầu việc làm. Một số tập đoàn đa quốc gia đã bắt buộc tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng chủ yếu ở công ty. Do vậy, những ứng viên thành thạo ngoại ngữ luôn được các tập đoàn ưu tiên tuyển dụng. Đây cũng là yếu tố giúp các ứng viên phát triển sự nghiệp, có mức thu nhập cao hơn so với thị trường.

Từ thực tế trên, theo thầy Tư, chuyên ngành tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại có tính ứng dụng cao và trở thành ngành học được rất nhiều sinh viên lựa chọn, là chìa khóa giúp sinh viên nắm bắt cơ hội nghề nghiệp triển vọng.

Sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn đều được học với giảng viên người nước ngoài. (Ảnh: NVCC)

"Hiện cả nước có nhiều trường công lập và ngoài công lập đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh. Đặc biệt, tại thành phố Hồ Chí Minh tập trung số lượng lớn cơ sở đào tạo có ngành Ngôn ngữ Anh với điểm đầu vào đa dạng, điều kiện đào tạo khác nhau.

Còn với nhà trường, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại) theo tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp các phương pháp giáo dục hiện đại, đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, môi trường học tập năng động, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhiều trải nghiệm hoạt động xã hội và thực tế doanh nghiệp, chính sách học bổng đa dạng,…", Thạc sĩ Cao Quảng Tư chia sẻ.

Về đội ngũ giảng viên, theo thầy Tư, giảng viên cơ hữu của trường tham gia dạy 2 chuyên ngành đều tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo sau đại học ở những nước tiên tiến. Bên cạnh tiêu chuẩn cao về trình độ chuyên môn, nhà trường chú trọng tuyển dụng giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và am hiểu phương pháp làm việc để hỗ trợ sinh viên học tập hiệu quả (cả học thuật và kỹ năng xã hội). Bên cạnh đó, nhà trường còn có đội ngũ giảng viên bản ngữ đến từ nhiều quốc gia, giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên.

Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại giống và khác nhau như thế nào?

Bàn về điểm giống nhau giữa 2 chuyên ngành Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết, sinh viên được học tập trực tiếp với giảng viên người nước ngoài. Từ đó giúp các em phát triển toàn diện kỹ năng, phản xạ ngôn ngữ tốt trong giao tiếp.

Chương trình đào tạo của 2 chuyên ngành được thiết kế và cập nhật dựa trên nhu cầu xã hội về nhân lực ngành ngoại ngữ. Đồng thời, dựa trên các chương trình tiến tiến của một số đại học ở Hoa Kỳ, hướng tới việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu thị trường lao động toàn cầu.

Cả 2 chuyên ngành đều chú trọng trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng về công nghệ, tin học và năng lực nghiên cứu khoa học. Điều này giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện đại và nắm bắt xu hướng phát triển của ngành nghề.

Cụ thể, chương trình đào tạo của 2 chuyên ngành áp dụng nhiều phương pháp học tập đa dạng như immersion learning (học tập trong ngữ cảnh thật), blended learning (học tập kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến), personalized learning (học tập cá nhân hóa), task-based learning (học tập dựa trên nhiệm vụ, đồ án). Sinh viên được thực tập thực tế tại doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa quá trình học, giúp phát triển năng lực học tập 100% bằng tiếng Anh của sinh viên từ năm nhất.

“Cơ hội nghề nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường lao động dành cho sinh viên luôn được nhà trường quan tâm. Với mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng, Tập đoàn Giáo dục Quốc Tế Á Châu và nhà trường có thể kết nối và mở ra nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp quốc tế có quan hệ hợp tác. Đây cũng chính là lợi thế lớn cho sinh viên khi học tại trường.

Sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại đều có thời gian đào tạo là 4 năm, hoặc có thể rút ngắn bằng cách học nhiều tín chỉ/năm học. Sinh viên của 2 chuyên ngành có nguyện vọng học sau đại học có thể học liên thông chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh của trường, hoàn thành bậc chương trình đại học và cao học trong vòng 5 năm”, thầy Tư chia sẻ.

Bên cạnh những điểm giống nhau, chuyên ngành Tiếng Anh giảng dạy và Tiếng Anh thương mại của nhà trường cũng có những khác biệt. Căn cứ vào những điểm giống và khác giữa 2 chuyên ngành, thầy Tư mong muốn các tân sinh viên có thể lựa chọn được chuyên ngành mà bản thân yêu thích.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-giai-quyet-bai-toan-thieu-giao-vien-nhu-the-nao

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phan-biet-tieng-anh-giang-day-va-tieng-anh-thuong-mai-tai-dh-quoc-te-sai-gon-post242857.gd