OECD: Các quỹ hưu trí phải hết sức thận trọng với rủi ro thanh khoản
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng, các quỹ hưu trí nên 'cực kỳ cẩn thận' khi đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản, vì lãi suất tăng và thị trường chứng khoán đi xuống làm tăng khả năng các quỹ hưu trí phải nhanh chóng tiếp cận tiền mặt.
Trong kỷ nguyên lãi suất thấp gần đây, các quỹ hưu trí đã đổ tiền vào các kênh đầu tư thay thế, chẳng hạn như các dự án cơ sở hạ tầng và vốn cổ phần tư nhân nhằm thoát khỏi trái phiếu chính phủ có lợi suất thấp.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư như vậy thường kém thanh khoản, và do đó các quỹ hưu trí không thể nhanh chóng chuyển đổi chúng thành tiền mặt nếu cần. Mặc dù có rất ít nhu cầu về tiền trong thời gian ngắn để đáp ứng thanh khoản trong thập kỷ qua, nhưng cuộc khủng hoảng của các quỹ hưu trí ở Anh vào tháng 10 đã cho thấy việc lãi suất tăng mạnh có thể thay đổi điều đó như thế nào.
Pablo Antolin, nhà kinh tế tại đơn vị hưu trí tư nhân thuộc Bộ phận Tài chính của OECD cho biết: “Hiện có một lời kêu gọi về sự linh hoạt hơn trong quy định để cho phép các chương trình hưu trí đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những tài sản thanh khoản kém, và điều này là ổn. Nhưng, chúng ta cũng phải cực kỳ cẩn thận vì vấn đề thanh khoản rất quan trọng trong việc quản lý các chiến lược đầu tư”.
Bên cạnh rủi ro thanh khoản, OECD cảnh báo rằng, mức độ thẩm định cần thiết đối với các kênh đầu tư thay thế có thể nằm ngoài khả năng của nhiều quỹ hưu trí nhỏ hơn.
“Một quỹ hưu trí lớn với đội ngũ đầu tư lớn, có trình độ cao hơn, họ có đủ khả năng đưa ra những lựa chọn đó và đánh giá khá tốt những khoản thanh khoản đó để giới thiệu chúng. Tuy nhiên, các quỹ hưu trí vừa và nhỏ thì không thể và họ cần các công cụ tài chính để đầu tư. Những gì chúng ta đã thấy là không có nhiều công cụ tài chính để thẩm định đầu tư vào thanh khoản kém và cơ sở hạ tầng”, ông cho biết.
Lời cảnh báo này được đưa ra khi nhu cầu đầu tư các sản phẩm thay thế của các quỹ hưu trí đang có dấu hiệu chậm lại. Vào tháng 12, BlackRock cho biết vai trò của tài sản tư nhân, bao gồm mọi thứ từ cơ sở hạ tầng đến tín dụng tư nhân, đang trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết” khi nhiều công ty tìm đến chúng để thu lợi nhuận.
Trong khi đó, phân bổ cho các kênh đầu tư thay thế đã mang lại lợi ích cho các kế hoạch hưu trí công toàn cầu.
Ví dụ, hệ thống Hưu trí Virginia có 778.000 thành viên, đã báo cáo rằng lợi nhuận từ nắm giữ cổ phiếu niêm yết và thu nhập cố định đã giảm lần lượt là 14,8% và 10,6% trong năm tài chính 2022. Ngược lại, tài sản thực và vốn cổ phần tư nhân mang lại lợi nhuận 21,7% và 27,4% trong cùng kỳ.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF), gần một nửa số quỹ hưu trí công trên toàn cầu với hơn 3.000 tỷ USD tài sản có kế hoạch tăng khả năng tiếp cận với các kênh đầu tư thay thế.
Cuộc khảo sát cho thấy, các tài sản này cung cấp hàng rào chống lại lạm phát, bao gồm cơ sở hạ tầng và một số bất động sản là những tài sản nằm trong số được ưa chuộng nhất.
OMFIF cho biết: “Với kết quả vượt trội rõ rệt này và những lo ngại kéo dài của các quỹ hưu trí toàn cầu về lạm phát, không có gì ngạc nhiên khi có nhu cầu chuyển sang đầu tư vào tài sản thực và vốn cổ phần tư nhân”.
Tuy nhiên, OMFIF đã chỉ ra những rủi ro trong cách tiếp cận này.
Báo cáo cho biết: “Việc theo đuổi lợi nhuận cao hơn ở các thị trường tương đối kém thanh khoản khiến các quỹ ít linh hoạt hơn trong việc thay đổi chiến lược của họ trong tương lai... Cuộc khủng hoảng quỹ hưu trí gần đây ở Anh cho thấy cần phải nắm giữ tài sản lưu động như một cách để huy động tiền mặt ngay lập tức trong thời điểm khó khăn”.