Nữ giáo viên dạy kỹ năng sống tiết lộ bí quyết rèn con tính tự lập

Theo chị Nguyễn Thị Thu, một giáo viên dạy kỹ năng sống, tự lập là nền tảng để trẻ trưởng thành. Khi trẻ biết tự làm những việc phù hợp với độ tuổi, trẻ sẽ phát triển sự tự tin và có trách nhiệm với bản thân.

 Chị Nguyễn Thị Thu và con gái - Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Thu và con gái - Ảnh: NVCC

Tự lập còn giúp trẻ thích nghi với cuộc sống. Xã hội hiện đại đòi hỏi trẻ phải biết thích nghi nhanh với các tình huống và môi trường mới. Các con không chỉ biết cách chăm sóc bản thân mà còn cần có khả năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, tự lập là nền tảng cho hành trình trưởng thành xa cha mẹ. Khi trẻ lớn lên, đặc biệt là giai đoạn bước vào đại học hoặc đi làm xa, khả năng tự lập sẽ là hành trang quý giá giúp trẻ vững vàng trước cuộc sống.

Dưới đây là một số kinh nghiệm mà chị Thu đã áp dụng để rèn kỹ năng tự lập cho con:

1. Để con tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân: Khi con khoảng 4 tuổi, chị Thu bắt đầu dạy bé tự chuẩn bị cặp sách và đồ dùng đi học. Ban đầu, chị sẽ làm mẫu như lấy quần áo, bình nước, sữa và khăn giấy cho vào cặp, sau đó nói: "Hôm nay con mang theo những thứ này nhé, mai con sẽ tự làm thử". Kết quả: Lần đầu bé quên mang bình nước, chị không mắng mà chỉ hỏi: "Con nghĩ mình cần làm gì để lần sau không quên?". Từ đó, bé tự lập danh sách đồ dùng và kiểm tra trước khi đi học. Bây giờ, con chị Thu có thể tự chuẩn bị mọi thứ mà không cần nhắc nhở.

2. Tự chọn quần áo và phối đồ: Khi con được 5 tuổi, một lần chị Thu nói với con: "Hôm nay, con hãy tự chọn quần áo để mặc đến trường nhé. Chỉ cần nhớ là quần áo phải thoải mái và phù hợp thời tiết". Con chị chọn một bộ đồ có màu sắc hơi lệch tông nhưng chị vẫn khen ngợi: "Con rất sáng tạo!". Bé cảm thấy tự hào vì có quyền quyết định. Bây giờ, con đã tự biết phối đồ mà không cần nhờ mẹ can thiệp.

3. Tự lập kế hoạch học tập: Khi con lên 7 tuổi, chị gợi ý con làm một thời gian biểu học tập với những việc mình cần phải làm trong ngày. Sau đó, bé sẽ tự lên kế hoạch cho bản thân. Kết quả: Con bắt đầu tự nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý thời gian. Hiện tại, con không chỉ biết cân đối giữa học và chơi mà còn tự giác làm bài tập.

Từ những trải nghiệm trên, chị Thu rút ra kinh nghiệm để rèn con tự lập là cần khuyến khích thay vì ép buộc; cho phép con mắc lỗi; luôn lắng nghe và hỗ trợ khi cần. Chị Thu chia sẻ, trong quá trình dạy con tự lập, không thể tránh khỏi những khó khăn. Nhưng chị coi hành trình này không chỉ là thử thách cho các con mà còn là cơ hội để chính bản thân mình học hỏi và điều chỉnh. Một số khó khăn mà chị Thu từng gặp và đã vượt qua là: Con ỉ lại, không hợp tác. Để giải quyết, chị không vội ép buộc mà thay đổi cách tiếp cận. Chị đã biến các nhiệm vụ thành trò chơi hoặc thử thách nhỏ, như: "Chúng ta thi xem ai gấp quần áo nhanh hơn nhé!". Đó cũng có thể là sự mất kiên nhẫn của cha mẹ khi con làm chậm. Để giải quyết, chị đã tự nhắc mình rằng tốc độ không quan trọng bằng việc để con cảm thấy mình đang làm chủ quá trình. Chị chọn cách hít thở sâu, kiềm chế không can thiệp, đồng thời đặt ra khung thời gian hợp lý và khen ngợi từng bước nhỏ.

Theo chị Thu, dạy con tự lập không chỉ giúp các con trưởng thành mà còn gắn kết tình cảm gia đình. Cha mẹ hãy tin rằng, mỗi bước nhỏ hôm nay sẽ mang đến những thành quả lớn trong tương lai.

Hoàng Lan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-giao-vien-day-ky-nang-song-tiet-lo-bi-quyet-ren-con-tinh-tu-lap-2025041515443151.htm