Nông dân phất lên nhờ đưa cây màu xuống chân ruộng
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất nông nghiệp của rất nhiều hộ dân ở Sóc Trăng. Do đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng đã cơ cấu mùa vụ sản xuất trong năm đối với từng địa phương để việc sản xuất tránh bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Trong cơ cấu mùa vụ, có nhiều địa phương đã được ngành chuyên môn khuyến cáo không xuống giống lúa vụ 3 và một số vùng nếu có điều kiện thì canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân, vừa giúp cải tạo đất tốt hơn cho mùa vụ lúa tiếp theo trong năm.
Trong vài năm trở lại đây, nhờ công tác cơ cấu mùa vụ và tuyên truyền của ngành chuyên môn, địa phương và ý thức của người dân nên việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã không bị ảnh hưởng do hạn, mặn gây ra, thêm vào đó người dân đã chuyển đổi trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu trồng dưới chân ruộng đem lại nguồn thu nhập tốt.

Nhiều diện tích trồng lúa trong vụ Đông - Xuân muộn, nông dân không xuống giống lúa mà chuyển sang trồng màu. Ảnh: THÚY LIỄU
Phấn khởi thu hoạch bí đao xanh trồng dưới chân ruộng, ông Lâm Thonh, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) chia sẻ: "Được sự khuyến cáo của địa phương nên 2 năm qua tôi đã không xuống giống lúa vụ 3 mà chuyển sang đưa màu xuống chân ruộng. Tôi có diện tích đất trồng lúa 6.000m2, trong đó có 3.000m2 nằm ở khu vực gần kênh nội đồng, thuận lợi cho việc lấy nước tưới tiêu nên tôi đã trồng bí đao xanh. So với trồng lúa, trồng bí dưới chân ruộng thì không cần xới đất. Khi thu hoạch lúa xong, gốc rạ trên đồng vẫn còn nguyên, chỉ việc căng dây cho ngay hàng thẳng lối và chia khoảng cách gieo hạt phù hợp là xới 1 lỗ đất nhỏ bỏ hạt bí xuống".
Sau khi gieo hạt chăm sóc bình thường như các loại rau màu khác, đến ngày thứ 55 bí đao đã cho thu hoạch đợt trái đầu tiên. Sau đợt đầu thu hoạch, cứ cách 3 ngày là có bí đao thu hoạch tiếp và kéo dài đến hơn 2 tháng. Bí đao thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua, giá bán từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy thời điểm, với diện tích 3.000m2 thu về sản lượng ước đạt 7 tấn trái, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/vụ/năm.
“Tính ra trồng màu dưới chân ruộng chi phí đầu tư mùa vụ không đáng kể mà nguồn thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thực tế là ruộng lúa của gia đình tôi canh tác 2 vụ lúa, lợi nhuận chưa bằng 50% trồng 1 vụ màu nhưng do tập quán sản xuất nên tôi chỉ trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu dưới chân ruộng trong năm. Trong mùa vụ lúa Đông - Xuân muộn, thay gì tôi gieo sạ lúa nhưng thấy nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, mặn cao, khi được địa phương khuyến cáo tôi đã lựa chọn bí đỏ hồ lô để trồng dưới chân ruộng. Bí đã trồng là 3.000m2, tầm 10 ngày nữa là đến thu hoạch, trọng lượng từ 1 - 1,5kg/trái, ước năng suất đạt hơn 4 tấn. Hiện tại, thương lái mua tại ruộng là 8.000 đồng/kg, với giá trên trừ chi phí lợi nhuận hơn 30 triệu đồng", bà Lâm Thị Diên, Phường 7, thành phố Sóc Trăng cho biết.
Cũng theo bà Diên, ngoài bán trái, bà còn thu hoạch bông bí để bán tại các chợ truyền thống, số tiền bán bông bí đã đủ chi phí tiền phân bón cho suốt mùa vụ. Qua vài vụ mùa, bà Diên thấy màu rất xanh tốt nhờ lượng phân bón trong vụ lúa còn trên đồng, đặc biệt cây màu ít bị sâu bệnh tấn công và năng suất luôn đạt tốt, nhất là nguồn nước phục vụ cho cây màu cũng không cần nhiều nên việc dự trữ nước cho vụ màu thuận lợi trong thời điểm có nước mặn xảy ra…
Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, diện tích trồng màu lương thực, thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh hơn 21.800ha. Tính riêng diện tích cây màu trồng dưới chân ruộng trong vụ lúa Đông - Xuân muộn năm 2024 - 2025 của toàn tỉnh là 828ha. Cây màu trồng dưới chân ruộng được trồng tại các huyện như: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Trần Đề, Long Phú, Kế Sách, Châu Thành và thị xã Ngã Năm, thành phố Sóc Trăng. Các loại rau màu trồng dưới chân ruộng chủ yếu là dưa hấu, bí đao, bí đỏ, bắp, dưa leo, cây đậu xanh. Giá màu trên thị trường cũng đã tăng nhẹ từ 500 - 2.000 đồng/kg (tùy loại), đảm bảo nông dân trồng màu có lợi nhuận tốt sau thu hoạch…
Nhằm giúp nông dân canh tác màu đạt năng suất, chất lượng, đơn vị sẽ cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ về kỹ thuật canh tác màu cho nông dân, hướng dẫn việc trồng màu theo quy trình VietGAP để giảm chi phí đầu tư mùa vụ, tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Cùng với đó, phân công cán bộ thường xuyên đến giám sát ruộng màu của nông dân trên địa bàn tỉnh, cũng như kiểm tra nguồn nước trên các sông, kênh, rạch… bằng cách đo độ mặn để kịp thời khuyến cáo cho người dân trong việc lấy nước tưới cho hoa màu…