Nông dân chia sẻ bí quyết khắc phục tình trạng sầu riêng bị sượng nước sau mưa
Để khắc phục tình trạng cơm sầu riêng bị sượng nước sau mưa, nhiều nông dân đã sử dụng phân ka-li trắng để bón cho cây và phun các chế phẩm sinh học nhằm xử lý các loại nấm, ngăn ngừa lây lan.
Làm sao gì để cải thiện cơm sầu riêng bị sượng nước?
Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không khỏi lo lắng về tình trạng "cơm sầu riêng bị sượng nước", do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài xảy ra trên địa bàn. Nhiều chủ vườn cho hay, tình trạng nấm bệnh tấn công sau mưa đã khiến cho tỉ lệ quả sầu riêng bị hư hỏng tăng cao, chiếm 20% sản lượng.
Trước tình hình trên, nhiều người dân đã không ngừng nghiên cứu, tìm cách khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng sầu riêng.
Chị Hồ Thị Kim Nhung (SN 1975, trú tại thôn Tân Hưng, xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: "Sau thời gian mưa lớn kéo dài, trái sầu riêng sẽ tích nước dẫn đến cơm khó lên màu và sinh ra các loại sâu bệnh, đặc biệt là nấm. Để khắc phục tình trạng này, gia đình tôi tăng cường bón phân ka-li trắng để cơm lên màu vàng đều, thơm ngon hơn".
Để xử lý các loại nấm tấn công trái sầu riêng sau mưa, ông Nguyễn Văn Ba (SN 1965, trú tại thôn Phước Thọ 3, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) sử dụng các chế phẩm sinh học để xịt lên cây, trái sầu riêng. Đồng thời, việc sử dụng phân ka-li trắng để bón dưới gốc cây sầu riêng giúp hạn chế tình trạng lây lan của nấm bệnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Văn Cao, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk cho hay, năm nay, nhiều vườn sầu riêng xảy ra hiện tượng cơm bị sượng nước. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này do ảnh hưởng của mưa kéo dài. Từ đó, độ ẩm trong đất tăng cao, khả năng tích nước vào trái rất lớn. Vì vậy, lượng nước trong trái sầu riêng nhiều.
Mặt khác, sau mưa, các loại nấm bệnh xuất hiện, xâm nhập và lây lan mạnh vào trái sầu riêng từ vỏ hoặc dưới đít trái. Khi lượng nước trong trái dư thừa thì hoạt động của các loại nấm rất mãnh liệt, khó phân hủy, đào thải.
Từ đó, khiến trái sầu riêng bị thối, hư hỏng dẫn đến cơm sầu bị sượng nước. Một số vườn quản lý nấm bệnh không tốt cũng tạo điều kiện khiến cho nấm phytophthora lây lan nhanh trong vườn nên tình trạng cơm sầu riêng sượng nước xảy ra nhiều. Ngoài ra, những vườn có hệ thống thoát nước kém cũng sẽ dẫn đến tình trạng bị sượng nước.
Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk "mách nước", bà con cần xử lý tình trạng đọng nước trong vườn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, quản lý, phát hiện sớm các loại nấm bệnh để phun thuốc phòng nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan.
Bên cạnh đó, sử dụng từ 05-06kg ka-li trắng để bón bổ sung cho từng gốc hoặc phun trực tiếp vào trái sầu riêng. "Việc bón loại phân này giúp cân bằng dinh dưỡng trong trái sầu riêng, hạn chế hiện tượng cơm sượng nước và ngăn lây lan nấm bệnh. Ngoài ra, ka-li trắng là loại phân bón rất tốt cho cây sầu riêng vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho thu hoạch, giúp cho quả sầu riêng vừa lên cơm ngon vừa lên màu đẹp, chất lượng sầu riêng tốt hơn và hạn chế được hiện tượng ứ nước trong trái sầu riêng. Bón ka-li trắng cách 15 ngày trước khi thu hoạch thì sẽ không những không ảnh hưởng mà còn góp phần giúp cho chất lượng sầu riêng tốt hơn", ông Cao nhấn mạnh.
Bí quyết giúp trái sầu riêng đẹp, chất lượng
Cùng với biện pháp khắc phục tình trạng cơm sầu riêng sượng nước, chị Hồ Thị Kim Nhung cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình chăm sóc "vua trái cây". Theo chị, người dân cần theo dõi sát sao từng cây sầu riêng mỗi ngày để phát hiện sâu bệnh, các loại nấm tấn công và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để lây lan ra khắp vườn.
Đặc biệt, việc tưới nước cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất sầu riêng. Khi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt thì tuyệt đối không được bón phân, tưới nước bởi sẽ khiến cho cây sầu riêng bị sốc nước, sốc nhiệt dẫn đến rụng hoa, rụng trái hàng loạt.
Chị Nhung cho biết, thời điểm thích hợp nhất để bón phân, tưới nước cho sầu riêng là từ 16h đến 0h đêm và chỉ tưới vừa đủ để giữ độ ẩm cho cây. Tùy vào từng thời điểm khác nhau để sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho phù hợp. Vào giai đoạn mưa nhiều, cần tăng cường bón các loại thuốc trị nấm. Từ đó, giúp cho cơm sầu riêng lên màu đều, đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để quả sầu riêng có màu da xanh tự nhiên, gai đều, muối thơm ngon, gia đình chị Nhung đã sử dụng thuốc trừ nấm tilt và phân bón lá combi để xịt nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, các chất trung vi lượng cho cây, quả sầu riêng.
Nhờ những kinh nghiệm dày dặn trong quá trình sản xuất đã giúp cho vườn sầu riêng của gia đình chị Nhung đạt năng suất, chất lượng cao, góp phần cải thiện kinh tế. Với 150 cây sầu riêng trồng xen canh trên diện tích 1ha, dự kiến năm 2024, gia đình chị sẽ khoảng 35 tấn trái sầu riêng.
Không chỉ vậy, vườn sầu riêng của gia đình chị đã trở thành vườn sầu riêng kiểu mẫu trên địa bàn, là nơi để nhiều người dân đã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Mới đây, vườn sầu riêng của gia đình chị Nhung đã tham gia cuộc thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi nhằm hưởng ứng Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk năm 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Ba (SN 1965, trú tại thôn Phước Thọ 3, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk), để làm được 1 trái sầu riêng, người nông dân phải trải qua rất nhiều giai đoạn, tốn rất nhiều công sức, chi phí đầu tư. Do đó, quá trình sản xuất, người dân cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc, bón phân, tưới nước phù hợp trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn tỉa trái, tuyệt đối không được bón phân... Từ đó, giúp cây sầu riêng phát triển ổn định, tỉ lệ đậu trái cao và hạn chế tình trạng sốc nhiệt, dẫn đến rụng hoa, rụng trái hàng loạt, quả tròn, nở muối đều.
Để đảm bảo sức khỏe, môi trường xung quanh trong quá trình canh tác, sản xuất sầu riêng, ông Ba chia sẻ: "Kể từ giai đoạn tỉa trái lần 2, tôi sử dụng các loại thuốc sinh học, phân bón hữu cơ để xử lý các loại nấm cho cây sầu riêng. Đồng thời, hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học bởi sẽ làm cho đất bị bạc màu và tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh hại phát triển nhanh hơn".
Ông Ba cho rằng, để việc xuất khẩu sầu riêng đạt kết quả cao, mang lại hiệu quả kinh tế thì người dân tuyệt đối không được thu hoạch sầu riêng khi chưa đủ tuổi. Từ đó, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắk nói riêng...
Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk Trương Văn Cao khẳng định, sầu riêng không chỉ mang lại thu nhập cho bà con nông dân mà còn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Tuy nhiên, để chăm sóc quả sầu riêng đạt các tiêu chuẩn về mẫu mã hình thức, chất lượng, bà con nông dân rất vất vả trong việc chăm sóc từ khi cây sầu riêng ra hoa, xổ nhụy, đậu trái. Tùy theo tuổi của từng cây sầu riêng, người nông dân sẽ sử dụng loại phân bón hữu cơ, vi sinh, phân NPK để bón cho phù hợp.
Trong quá trình chăm sóc, cũng cần phải bổ sung dinh dưỡng trên lá và trên trái sầu riêng thông qua các loại phân bón lá. Người nông dân cũng cần thường xuyên kiểm tra, để bổ sung các loại trung vi lượng như calci, bo, kẽm, phân bón khác thì mới giúp cho cây sầu riêng đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái phát triển phình đều, tránh bị méo, khuyết muối và hạn chế tình trạng bị rụng trái.
Trạm trưởng Trương Văn Cao còn cho hay, việc nuôi thảm cỏ trong vườn cũng vô cùng quan trọng. Thảm cỏ không chỉ giúp cho đất tơi xốp hơn, bộ rễ cây sầu riêng phát triển tốt hơn mà còn giúp cành lá phát triển tốt và hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng để nuôi trái phát triển thuận lợi.
Ông Cao cho biết thêm, từ sau khi sầu riêng xổ nhụy nuôi trái thì việc quản lý dịch bệnh, sâu bệnh hại trên cây cần được chú trọng.
Đặc biệt, thời điểm sầu riêng ra trái non thì sẽ xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại tấn công trái như rệp sáp, các loại nấm, nhện đỏ khiến trái sầu riêng bị xì mủ, thối thân, nứt cuống.
Vì vậy, bà con phải kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm, xử lý các loại sâu bệnh hại phù hợp bằng biện pháp hữu cơ, các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại nhằm đảm bảo chất lượng sầu riêng, bảo vệ được thiên địch, môi trường, cân bằng sinh thái, giảm sâu bệnh hại trên vườn.
Trước khi thu hoạch sầu riêng khoảng 30 ngày, cần ngừng toàn bộ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh để lại dư lượng trong quả sầu riêng khi xuất khẩu.