Nỗi đau nằm lại Bok Rei

Chiếc xe tải chở mì lát chở theo 9 người lao xuống vực thẳm khiến 6 người tử nạn và 3 người bị thương

Chiều 9-2, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, đã đến hiện trường vụ tai nạn thảm khốc làm 6 người chết, 3 người bị thương xảy ra tại làng Bok Rei, xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng khiến 9 người thương vong

Thời khắc kinh hoàng

Vào rạng sáng cùng ngày, tài xế Huỳnh Đức Nguyên (SN 1983, trú phường Chi Lăng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển xe tải chở sắn lát khô đi từ xã Hà Đông (huyện Đắk Đoa) theo đường liên xã ra hướng trung tâm huyện Đắk Đoa. Khi tới địa phận làng Bok Rei, xã Đắk Sơ Mei không may mất lái rồi lao xuống vực sâu hơn 50 m phía bên phải đường.

Vụ tai nạn làm 6 người đàn ông gồm: Huỳnh Đức Nguyên (tài xế), Trần Văn Tâm (SN 1987), Dương Văn Dũng (SN 1984), Phan Văn Tuấn (SN 1990), Hguh (SN 1998, cùng trú huyện Mang Yang), Bùi Văn Tiện (SN 1974, trú huyện Đắk Đoa) tử vong tại chỗ. Ngoài ra, còn có 3 người bị thương gồm: Guêm (SN 1999), Gun (SN 1991) và Nguyễn Tấn Vinh (cùng trú huyện Mang Yang).

Ông Ngô Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sơ Mei, cho biết khoảng 1 giờ sáng thì chính quyền xã nhận được thông tin vụ tai nạn, ngay sau đó đã huy động lực lượng của xã tới hiện trường, cùng người dân ở những ngôi làng lân cận tới giải cứu những người bị nạn.

Tại hiện trường vụ tai nạn là ở vực sâu, chiếc xe tải bị biến dạng hoàn toàn, xung quanh cây cối ngã rạp. Những bao mì lát khô trên xe vương vãi khắp nơi. "Do ở vực sâu nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, chúng tôi phải lấy xà beng cạy cửa cabin để đưa các nạn nhân ra ngoài. Sau đó, cứ 4 đến 5 người cùng hỗ trợ đưa từng nạn nhân từ vực sâu lên trên. Những người còn sống thì ưu tiên đưa lên trước để đi cấp cứu, sau đó mới đến những nạn nhân tử vong" - ông Cảnh kể và cho biết sau khoảng 1 giờ, những nạn nhân mới được đưa khỏi vực sâu. Bên cạnh đó, phải huy động cả xe công nông để đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Theo anh Nguyễn Tấn Vinh (SN 1988, trú huyện Mang Yang), thời điểm xảy ra tai nạn thì anh đang mơ màng ngủ do quá mệt. Bất ngờ, anh thấy chiếc xe trôi đi rồi lao thẳng xuống với những tiếng va đập mạnh, dồn dập rồi bị hất văng ra khỏi xe. "Định thần lại tôi thấy người đau ê ẩm. Tôi dùng điện thoại bật đèn pin soi thì thấy những người đi bốc vác cùng với mình đang mắc kẹt trong cabin. Tôi trèo lên đường, chạy đi đến nơi có sóng gọi người đến giải cứu. "Tôi không biết chuyện gì xảy ra, chỉ thấy tài xế cố gắng phanh xe nhưng không được. Sau đó chiếc xe lao nhanh xuống vực, tỉnh lại thì thấy nhiều người đang mắc kẹt trong cabin, còn mình văng ra bên ngoài rồi" - anh Vinh kể.

Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình thì tốc độ lần cuối thiết bị giám sát hành trình ghi nhận lúc 0 giờ 53 phút 39 giây ngày 9-2 là 54 km/giờ. Khi xảy ra tai nạn, tính cả lái xe thì trong cabin có 9 người. Trong khi đó, xe này chỉ cho phép chở 2 người, khối lượng hàng hóa chuyên chở là 16 tấn.

Gia đình nạn nhân Dương Văn Dũng đau xót khi người thân không may tử vong trong vụ tai nạn

Thiếu hệ thống cảnh báo

Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, đoạn đường liên xã Đắk Sơ Mei - Hà Đông có chiều dài khoảng 24 km nối xã Hà Đông với trục Quốc lộ 19D. Trên tuyến đường này có nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn, phía tỉnh Gia Lai đã cắm 300 biển cảnh báo an toàn giao thông. Khi đi kiểm tra hiện trường, ông Khuất Việt Hùng đã yêu cầu ngành chức năng của tỉnh Gia Lai bổ sung khẩn cấp các biện pháp bảo đảm ATGT trên tuyến đường này. Ông Hùng nhận định đây là tuyến đường liên xã nhưng khá dốc và rất dài. Vị trí xảy ra tai nạn giao thông là vị trí điển hình về điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cùng nhận định vị trí xảy ra tai nạn có dốc dài, khúc cua nguy hiểm nhưng có ít biển cảnh báo, biển thông tin. Bà Hiền mong muốn tỉnh Gia Lai sớm khảo sát các điểm đèo dốc, quanh co để bổ sung các biển cảnh báo. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cần có quy định rõ về loại phương tiện được di chuyển trên các tuyến đường này, hạn chế các phương tiện tải trọng lớn đi vào. Thực tế cho thấy, với tuyến đường vừa xảy ra tai nạn, việc lưu thông tránh nhau giữa các xe nhỏ đã rất khó khăn.

Làm việc với tỉnh Gia Lai, ông Khuất Việt Hùng đề nghị tỉnh Gia Lai cần đánh giá, rà soát lại điều kiện an toàn giao thông. Bổ sung khẩn cấp các công trình, thiết bị cọc tiêu, biển báo, hướng dẫn để người tham gia giao thông nhận biết được những nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông quanh co, khúc khuỷu như thế này.

Tăng cường công tác tuyên truyền về ATGT rộng rãi đối với người dân, các chủ phương tiện. Đặc biệt, yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp chở người trong khoang ca bin. Xử phạt nghiêm để làm gương, đây cũng là một biện pháp tuyên truyền hiệu quả.

Cũng trong chiều 9-2, ông Khuất Việt Hùng cùng đoàn công tác đã đến thăm, chia buồn cùng các gia đình có người tử vong trong vụ tai nạn.

Ngày 9-2, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Y tế; Ủy ban ATGT quốc gia; UBND tỉnh Gia Lai về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Gia Lai. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động các điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Gia Lai khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về việc chở quá số người quy định đối với mọi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể lái xe.

B.Trân

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/noi-dau-nam-lai-bok-rei-2022020921314306.htm