Nỗi ám ảnh về chiếc quần đùi màu trắng trong bóng đá nữ
Nỗi lo sợ của các cầu thủ nữ không thực sự đến từ chiếc quần đùi màu trắng, mà xuất phát từ sự xấu hổ, kỳ thị xung quanh kỳ kinh nguyệt.
Hôm 3/4, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cho biết đội tuyển nữ sẽ thay đổi trang phục thi đấu, từ chiếc quần đùi màu trắng thành màu xanh lam.
Tuyên bố được đưa ra sau gần một năm các cầu thủ bày tỏ lo lắng về việc phải mặc quần trắng và thi đấu trong kỳ kinh nguyệt.
Beth Mead, người đã giành được Chiếc giày vàng tại Euro 2022, nói với Telegraph vào tháng 7 năm ngoái rằng các cầu thủ đã nêu vấn đề với nhà cung cấp trang phục thi đấu Nike bởi vì quần màu trắng "không thiết thực khi đến tháng".
Thay đổi
FA và FIFA được cho đã thảo luận vấn đề này trong nhiều tháng.
Sau khi các cầu thủ bày tỏ lo ngại của mình, FA vẫn duy trì bộ trang phục truyền thống cho đội nữ, bao gồm áo và quần trắng, tại Euro 2022.
Thời điểm đó, một phát ngôn viên của FA nói với The Athletic rằng việc thay đổi màu sắc "sẽ được xem xét cho các thiết kế trong tương lai" thay vì chuyển đổi ngay lập tức.
Giám đốc thiết kế của Nike Football Lee Murphy cho biết: "Trong lịch sử, đội tuyển Anh đã thi đấu với quần áo ngắn màu xanh lam, nhưng với lý do nào đó, chúng tôi đã sử dụng quần áo trắng dành cho nữ".
Đại diện đơn vị thiết kế nói thêm rằng giờ đây khi sản xuất trang phục thi đấu cho các cầu thủ nữ, họ sẽ cân nhắc thêm "lớp lót chống rò rỉ" để đảm bảo an toàn hơn trong kỳ kinh nguyệt.
Ngoài đội tuyển Anh, Nike đã sản xuất trang phục thi đấu cho 12 đội khác tại World Cup nữ 2023, bao gồm cả đương kim vô địch là đội tuyển Mỹ.
Charlotte Harris, nhà thiết kế cao cấp tại Nike Global Apparel Design, nói rằng trong 45 phút đầu tiên của trận đấu, cầu thủ không thể rời sân và trung bình cứ trong vòng 9 phút, họ sẽ lo lắng về sự cố trang phục nếu đang đến tháng.
"Đó là một khoảng thời gian rất lớn khi cầu thủ có thể bị phân tâm như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng cần đổi mới để có thể cung cấp sự tập trung tốt hơn cho người chơi".
Trước đó, cầu thủ nữ thuộc các CLB lớn của Anh như Manchester City và West Bromwich Albion đã lần lượt chuyển sang mặc quần đùi màu xanh và đỏ tía, thay vì trang phục trắng truyền thống.
Hồi tháng 2, đội rugby (bóng bầu dục) nữ Ireland cũng chuyển từ mặc quần đùi màu trắng sang quần đùi màu xanh, giữa những lo ngại xung quanh kỳ kinh nguyệt và vấn đề trang phục của cầu thủ.
Vấn đề các vận động viên nữ mặc đồ trắng cũng được tranh luận tại giải quần vợt Wimbledon năm ngoái, khi các tay vợt nữ nói về nỗi lo bị buộc phải mặc đồ trắng trong kỳ kinh nguyệt.
Giải Grand Slam trên sân cỏ sẽ tạo ra ngoại lệ đối với quy định nghiêm ngặt về trang phục toàn màu trắng và cho phép các tay vợt nữ mặc quần lót tối màu từ giải đấu năm nay.
Vấn đề đằng sau chiếc quần
Màu trắng không bao giờ là màu mà người chơi thể thao muốn mặc khi đang trong kỳ kinh nguyệt. Cuộc tranh luận xung quanh việc liệu các vận động viên nữ có nên bị buộc phải thi đấu trong trang phục màu trắng hay không thường xuyên xuất hiện trong những năm gần đây.
Nhưng chiếc quần màu trắng có thực sự là vấn đề ở đây? Theo Caoimhe O'Neill, biên tập viên thể thao của The Athletic, chính nỗi kỳ thị xung quanh kỳ kinh nguyệt mới là thứ tạo ra cảm giác xấu hổ, lo sợ cho các nữ vận động viên.
"Nếu một cầu thủ Anh để lộ vết màu đỏ trên chiếc quần màu trắng trước hàng triệu khán giả, điều gì sẽ xảy ra? Có lẽ các đồng đội sẽ tập hợp lại xung quanh cô ấy để che chắn. Cũng rất có thể, những bình luận tiêu cực sẽ tràn lan trên mạng.
Phần lớn phụ nữ cảm thấy xấu hổ khi có kinh nguyệt. Điều đó hoàn toàn không ổn. Vết máu thấm qua lớp quần áo của bạn có thể gây khó chịu nhưng đó không phải là ngày tận thế".
O'Neill cũng chỉ ra rằng hình ảnh quảng cáo các sản phẩm hỗ trợ kỳ kinh nguyệt thường không được hiển thị đầy đủ như thể đó là điều cấm kỵ.
Ở Anh, quảng cáo đầu tiên mô tả chất lỏng màu đỏ, thay vì màu xanh, được đổ lên băng vệ sinh chỉ mới được phát hành vào năm 2017.
"Tại sao chúng ta chỉ dám rỉ tai nhau cụm từ băng vệ sinh hay tampon? Tại sao việc lấy sản phẩm vệ sinh của một người bạn hoặc y tá ở trường lại phải diễn ra lén lút. Chúng ta không cần phải hét lên rằng mình đang đến kỳ, nhưng cũng đừng giấu giếm như thể mình đang phạm tội", O'Neill viết.
Trong bóng đá, bình thường hóa kinh nguyệt đang trở thành chiến dịch. On The Baw (OTB), sáng kiến do ba người hâm mộ Celtic là Erin Slaven, Mikaela McKinley và Orlaith Duffy phát động, đã vận động để cung cấp các sản phẩm như băng vệ sinh miễn phí tại các sân bóng.
Từ năm 2018 đến 2021, 113 câu lạc bộ bóng đá đã đăng ký cung cấp sản phẩm miễn phí cho người hâm mộ.
Kinh nguyệt từng là điều cấm kỵ nhưng đến năm 2022, nam cầu thủ Jordan Henderson, Michail Antonio, huấn luyện viên tuyển Anh Gareth Southgate và nhiều người có ảnh hưởng khác trong làng túc cầu đã cùng chia sẻ một clip ghi rõ cảnh một cầu thủ đến kỳ kinh nguyệt khi chơi bóng.
Clip thuộc chiến dịch "Not Her Problem" được tổ chức EE phát động để chống lại sự phân biệt giới tính trực tuyến trước kỳ Euro 2022.