Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Song, hiện nay công tác phát triển người tham gia BHYT đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đến đầu tháng 10/2022, toàn tỉnh có 1.032.715 người tham gia BHYT và theo kế hoạch còn phải vận động khoảng 80.320 người tham gia BHYT mới hoàn thành chỉ tiêu. Hiện tỷ lệ bao phủ mới đạt 89,3% dân số, thấp hơn 2,2% chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2022.
Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi phẫu thuật cho bệnh nhân BHYT
So với cuối năm 2021, số người tham gia BHYT giảm 29.386 người, tập trung ở các nhóm: Học sinh, sinh viên, hộ gia đình, người sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số không còn thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về BHYT.
Nguyên nhân giảm trước hết là do các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ, chế biến hải sản, xây dựng, may mặc, giáo dục dân lập; một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí hoạt động… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa khắc phục được hoàn toàn, với số tiền nợ BHXH, BHYT còn khá lớn. Đối với học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97,4%. Trong đó, có 199.634 em tham gia tại trường học, có 31.308 em tham gia theo nhóm khác (hộ nghèo, cận nghèo). Hiện vẫn còn 6.136 em chưa tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 2,6%, chủ yếu là HSSV tham gia có thời hạn ngắn (3 tháng, 6 tháng) hết hạn thẻ chưa tham gia lại và người dân tộc thiểu số không còn được ngân sách đóng BHYT.
Một nguyên nhân khác nữa, đó là các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT chưa thực sự nỗ lực. Trong đó, ngành bưu điện đang thực hiện rất nhiều dịch vụ đa dạng, ở nhiều lĩnh vực, nên tổ chức dịch vụ thu của bưu điện cũng chưa thật sự tập trung trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tổ chức dịch vụ thu Công ty Bảo hiểm PVI đã được ký hợp đồng, nhưng thực tế hoạt động chưa hiệu quả. Tổ chức dịch vụ thu Viettel đã ký hợp đồng và đã được cơ quan BHXH đào tạo nhân viên thu, nhưng hoạt động cầm chừng, kết quả thu đạt thấp. Tổ chức dịch vụ thu Vĩnh An đã triển khai hoạt động, song kết quả phát triển người tham gia chưa hiệu quả…
Để đạt chỉ tiêu 91,5% dân số bao phủ BHYT vào cuối năm 2022, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục kịp thời những tồn tại, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội và dồn sức thực hiện các giải pháp chủ yếu, đó là: Rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động. Tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT; phối hợp thanh tra đột xuất các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên và các đơn vị đóng bảo hiểm không đầy đủ cho người lao động. Theo dõi giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu do cơ quan BHXH ký hợp đồng ủy quyền; tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên thu BHXH, BHYT theo yêu cầu của các tổ chức dịch vụ thu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, nhất là người dân sinh sống ở vùng khó khăn, miền núi; người dân thuộc các xã bãi ngang ven biển; người mới thoát nghèo không còn thụ hưởng chính sách BHYT tham gia theo hộ gia đình hoặc BHYT hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng phương án, đề xuất HĐND, UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, cũng như nâng mức hỗ trợ đóng cho hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh từ 3% hiện nay lên 20% hoặc 30%. Tăng cường phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo để đẩy mạnh công tác khai thác, phát triển người tham gia BHYT.