Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Thuận Châu là 117 bé trai/100 bé gái. Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, huyện đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, tập trung nhiều ở các xã vùng III, vùng cao như: Mường Bám, Long Hẹ, Chiềng Bôm, Bon Phặng... Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân về giới tính còn hạn chế, dẫn đến tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm thiểu mất cân bằng giới tính gặp khó khăn, một số cộng tác viên dân số chưa được đào tạo chuyên sâu, nên không phát huy hiệu quả.
Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các chỉ tiêu và giải pháp khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Chỉ đạo trạm y tế các xã phối hợp với tổ chức đoàn thể xã, các bản, tiểu khu thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2020-2025). Đẩy mạnh tuyên truyền về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác bình đẳng giới bằng nhiều hình thức. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã truyền thông hàng nghìn lượt trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, bản; tuyên truyền trực tiếp 87 buổi lồng ghép trong các cuộc họp bản, tổ chức đoàn thể xã, với 5.062 lượt người nghe.
Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện, cho biết: Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở. Phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, giao lưu với học sinh, giáo viên về nội dung bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh..., giúp học sinh hiểu được hệ lụy về mất cân bằng giới tính khi sinh và trở thành tuyên truyền viên đối với gia đình về lĩnh vực này.
Xã Bon Phặng có 7/8 bản đặc biệt khó khăn; nhận thức về công tác dân số hạn chế. Chị Lường Thị Tươi, cán bộ chuyên trách dân số xã, cho biết: Trạm Y tế xã đã tuyên truyền công tác dân số, nhất là hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đến bà con bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép trong các cuộc họp bản, thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình...
Chị Cà Thị Hải, bản Dân Chủ, xã Chiềng Pấc, chia sẻ: Tôi sinh 2 lần được 3 cháu gái. Trước đây, gia đình cũng muốn sinh thêm con trai, nhưng được cán bộ xã vận động, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm để dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế. Hiện nay, cháu lớn đang được theo học và tập luyện tại một đội bóng đá chuyên nghiệp ở Hà Nội; 2 cháu còn lại đang học gần nhà.
Xác định đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên là quá trình dài, do vậy, huyện đã xây dựng lộ trình, kế hoạch để thực hiện. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động sinh đủ 2 con ở các vùng có mức sinh cao. Xây dựng câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại các trường THCS, THPT; nêu gương điển hình các gia đình sinh 2 con gái tiêu biểu... Từ đó nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.