Những vấn đề 'nóng' trước thềm năm học mới
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương...
Thông tin được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đưa ra khi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024.
Bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giáo dục
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học vừa qua, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tình trạng thiếu giáo viên; thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn xảy ra...
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Qua công tác bảo đảm an ninh quốc gia của Bộ Công an cho thấy âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo để tạo ra lớp người có quan điểm, tư tưởng không phù hợp với những đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta”. Thứ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ, về phương thức hoạt động, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng các điểm yếu của lứa tuổi thanh niên, sinh viên để kích động tư tưởng chống đối, phá hoại tư tưởng của Đảng và chính sách Nhà nước, tác động không chỉ đến học sinh, sinh viên mà thậm chí cả giáo viên.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tội phạm là học sinh, sinh viên tuy chiếm tỷ lệ thấp, chỉ chiếm 2,63% trong tổng số thanh, thiếu niên phạm tội, nhưng lại có xu hướng tăng qua từng năm. Năm 2021 tăng 30% so với năm 2020, năm 2022 tăng 28% so với năm 2021 và trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022. Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an sẽ đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm.
Năm học 2022 - 2023 vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT với nhiều văn bản thông tư liên tịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn các kỳ thi, ngăn chặn hiện tượng lợi dụng hợp tác quốc tế để thâm nhập phá hoại nội bộ. Trong năm học tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giáo dục.
Có thể xem xét biên chế giáo viên theo vùng miền
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Bộ GD&ĐT cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương hiện nay.
Về vấn đề này, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Biên chế của ngành Giáo dục năm 2021 là 1.375.715 người, trong đó khối Trung ương là 50.699, ở địa phương là 1.328.016 biên chế. Khối mầm non và THPT là 1.131.001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850. Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.
Cũng theo ông Cường, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Nguyên nhân do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu, vùng xa.
Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền. Về giải pháp cho những thực trạng trên, ông Triệu Văn Cường chia sẻ: Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế.
Các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; Hình thành trường phổ thông nhiều cấp; Chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa; Phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.
Cần sớm có khảo sát về đổi mới chương trình
Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá ngành GD&ĐT trong năm qua đã đạt được những thành tích rất quan trọng. Đồng thời, bà Doan kiến nghị những tồn tại nêu ra trong cuộc gặp gỡ với các thầy giáo, cô giáo trong ngành Giáo dục, đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có một nghiên cứu khảo sát, đánh giá tác động thật cẩn thận về chương trình, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới nội dung và phương pháp.
Bà Doan bày tỏ, chúng ta đang đổi mới phương pháp từ giảng dạy truyền thụ kiến thức sang bảo đảm phương pháp nâng cao năng lực. Do đó, Bộ phải làm việc với học sinh, phụ huynh, phải có khảo sát thật cẩn thận mới có thể kết luận và đưa ra giải pháp phù hợp. Hiện nay việc dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang nhận được sự quan tâm của dư luận và có những quan điểm trái chiều.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận vướng, khó khi triển khai dạy học tích hợp. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét điều chỉnh môn học này. Tuy nhiên, điều chỉnh sao để không xáo trộn và việc thực hiện chương trình tốt hơn là vấn đề cần được cân nhắc.
Bà Doan cho biết thêm, một thực tế đang diễn ra là ít học sinh đăng ký vào khối ngành cơ bản. Do đó, bà Doan đề xuất, Nhà nước cần có chính sách thu hút người học đối với những ngành nghiên cứu cơ bản như giảm học phí, miễn học phí và trao học bổng...
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-van-de-nong-truoc-them-nam-hoc-moi-post485250.html