Những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 liên quan đến người lao động

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 có nhiều thay đổi, bên cạnh hướng tới các mục tiêu lớn như: mở rộng đối tượng tham gia; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH... còn đảm bảo quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách BHXH để thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Hội nghị tuyên truyền là một trong những hình thức phổ biến thông tin để người lao động nắm bắt những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Hội nghị tuyên truyền là một trong những hình thức phổ biến thông tin để người lao động nắm bắt những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Chuyên trang kỳ này cung cấp đến quý bạn đọc “Những quy định mới của Luật bhxh năm 2024 liên quan đến NLĐ”

Các chế độ BHXH

1. Chế độ ốm đau: Đảm bảo quyền lợi tối ưu cho NLĐ

Một trong những điểm nổi bật của Luật BHXH mới là bổ sung chế độ ốm đau nửa ngày. NLĐ nghỉ ốm nửa ngày sẽ được hưởng trợ cấp bằng một nửa mức hưởng trợ cấp của 1 ngày. Quy định này linh hoạt hóa chế độ hỗ trợ, giúp NLĐ an tâm hơn khi phải nghỉ việc do vấn đề sức khỏe.

Ngoài ra, Luật cũng mở rộng các trường hợp được hưởng chế độ ốm đau, bao gồm: Điều trị bệnh không phải bệnh nghề nghiệp. Tai nạn trên tuyến đường hợp lý giữa nơi ở và nơi làm việc. Hiến, lấy, ghép mô hoặc bộ phận cơ thể người. Sử dụng thuốc tiền chất theo chỉ định y tế.

Đối với các trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, mức hưởng chế độ cũng được sửa đổi để phù hợp với thời gian tham gia BHXH, dao động từ 50 - 65% mức lương đóng BHXH.

NLĐ được Quỹ BHXH đóng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

2. Chế độ thai sản: Hỗ trợ toàn diện cho NLĐ nữ

Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động nữ, đặc biệt là trong các trường hợp sự cố như: sảy thai, phá thai hay thai chết trong tử cung.

Cụ thể: Lao động nữ mang thai từ 22 tuần tuổi trở lên và gặp biến cố có thể được hưởng chế độ thai sản tương tự trường hợp sinh con. Thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ thai sản được quy định rõ ràng hơn, chỉ cần đóng từ 6 tháng trong 24 tháng trước khi sinh.

Đối với lao động nam, quyền lợi cũng được mở rộng với thời gian nghỉ thai sản linh hoạt, đặc biệt trong trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật.

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện Nghị quyết số 28-NQ/TW có nội dung: BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác.

Khảo sát, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, trong đó có nguyên nhân do chế độ được hưởng còn thiếu hấp dẫn vì NLĐ chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn. Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.

Do đó, Luật BHXH năm 2024 quy định NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con hoặc có vợ sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Kinh phí thực hiện trợ cấp này do ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Ngoài ra, các chính sách đặc thù cũng được thiết kế để hỗ trợ lao động nữ thuộc dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể là lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con ngoài trợ cấp thai sản (nêu trên) còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.

Kỳ cuối: Chế độ hưu trí

V.H

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nhung-quy-dinh-moi-cua-luat-bao-hiem-xa-hoi-nam-2024-lien-quan-den-nguoi-lao-dong-128044.aspx